Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước. (Nguồn: Internet)
Ông có đánh giá như thế nào về kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian gần đây?
Với quan điểm “đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”, những năm qua, Bình Phước đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp (DN). Riêng với lĩnh vực đầu tư, tỉnh còn quyết liệt chỉ đạo thực hiện phương châm “2 nhanh 3 tốt” (2 nhanh: Giải phóng mặt bằng nhanh và Giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; 3 tốt: Chính sách tốt, Hạ tầng tốt và Tình cảm tốt).
Cùng với tích cực hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư qua nhiều kênh khác nhau, tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn năm 2018 và 2020, qua đó thu hút quan tâm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh còn chú trọng “xúc tiến tại chỗ”: Hỗ trợ DN, nhà đầu tư tìm hiểu chính sách, thủ tục, tiềm năng, thị trường,… và đồng hành suốt quá trình triển khai dự án.
Xem thêm: Tiềm năng khu công nghiệp Bình Phước
Từ những nỗ lực đó, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký ngày càng nhiều hơn, cả về số lượng lẫn quy mô dự án. Cụ thể, trong năm 2020, Bình Phước đã thu hút 120 dự án, với số vốn đăng ký 12.000 tỷ đồng và trong quý I/2021 thu hút 38 dự án, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng; đưa tổng số toàn tỉnh có 1.130 dự án với tổng vốn đăng ký 102.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, tỉnh đã thu hút 36 dự án FDI, với số vốn đăng ký 437 triệu USD và quý I/2021 thu hút 24 dự án, vốn đăng ký 418 triệu USD (kể cả tăng vốn); đưa toàn tỉnh có 327 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD.
Việc phát triển DN cũng có nhiều khả quan với 1.230 DN thành lập mới trong năm 2020, vốn 21.500 tỷ đồng và 271 DN thành lập mới trong quý I/2021, vốn 5.425 tỷ đồng; đưa toàn tỉnh có 8.950 DN với tổng vốn đăng ký 156.000 tỷ đồng; tăng bình quân 10%/năm, cao hơn bình quân cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, từ tiềm năng, lợi thế sẵn có và quyết tâm đột phá phát triển,… Bình Phước sẽ chú trọng thu hút đầu vào các dự án cụ thể nào, thưa ông?
Tỉnh sẽ ưu tiên vào những lĩnh vực thế mạnh như: Chế biến nông-lâm sản, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại,... Nhằm cụ thể hóa các tiềm năng lợi thế bằng các dự án cụ thể để nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 (
Quyết định 3057/QĐ-UBND ngày 02/12/2020 của UBND tỉnh). Theo đó, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi, thu hút 80 dự án đầu tư trong và ngoài nước gồm: 21 dự án kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; 19 dự án phát triển các cụm ngành (04 dự án ngành điều, 02 dự án ngành gỗ cao su, 03 dự án chế biến trái cây, 03 dự án dệt may - da giày, 04 dự án công nghiệp hỗ trợ - chế tạo), 03 dự án ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu nông sản; 16 dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại, dân cư; 09 dự án cấp thoát nước, xử lý rác thải; 03 dự án cấp nước; 10 dự án lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch và 02 dự án lĩnh vực nông nghiệp.
Đâu là điểm nhấn khác biệt về thu hút đầu tư của Bình Phước trong những năm tới?
Những năm tới, để tạo nét mới trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh xác định chủ động thu hút có mục tiêu và chuyển từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”, từ “mở cửa” sang “gõ đúng cửa” với những điểm nhấn sau:
(1) Kết nối nhanh chóng: Bình Phước là cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai thông qua hệ thống quốc lộ 13, quốc lộ 14 và nhiều tuyến tỉnh lộ đã được đầu tư hoàn thiện. Năm 2021, tỉnh còn kiến nghị và được Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện một số dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối đến cảng Cái Mép - Thị Vải; tuyến cao tốc Đắk Nông - Bình Phước; tuyến ĐT753B và Cầu Mã Đà kết nối với Đồng Nai và sân bay Quốc tế Long Thành… cùng hệ thống bến, bãi và dịch vụ phụ trợ đi kèm.
(2) Điểm đến an toàn: Bình Phước luôn có an ninh trật tự đảm bảo; đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát, tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hiện nay Bình Phước là một trong 11 tỉnh chưa có ca dương tính về Covid -19 nên là điểm đến an toàn cho nhà đầu tư.
(3) Thương hiệu lớn là “chất dẫn xuất” đầu tư: Tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước như:
Tập đoàn Sikico Group, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn CP, Dabaco, New Hope, Jappa Comfeed... Những thương hiệu này là chất dẫn xuất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đến với Bình Phước.
(4) Xúc tiến đầu tư tại chỗ theo phương thức trực tuyến: Cùng với quyết liệt triển khai phương châm hành động “2 nhanh 3 tốt”, tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ DN từ khi nghiên cứu cho đến quá trình triển khai dự án nhằm tạo lan toả trong các DN, nhà đầu tư. Trong khoảng thời gian ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tỉnh đã linh hoạt chuyển sang xúc tiến đầu tư trực tuyến: Ngày 12/3/2021 tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến Nhật Bản, ngày 30/3/2021 tổ chức xúc tiến đầu tư Đài Loan, mới đây ngày 05/5/2021 tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với Hoa Kỳ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư với Hoa Kỳ ngày 5/5/2021. (Nguồn: Internet)
(5) Xây dựng chính quyền điện tử, địa phương thông minh để phục vụ người dân và doanh nghiệp: Tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống chính quyền điện tử với nhiều dịch vụ công trực tuyến ngày càng tốt hơn, mới đây ngày 17/5/2021 Bình Phước bất ngờ vượt lên đứng đầu cả nước khi có 1.224 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về cấp hồ sơ chứng thực điện tử. Bình Phước cũng đã thí điểm thành công xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh như: Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, IOC - TP. Đồng Xoài, TX. Bình Long, TX. Phước Long được đưa vào khai thác, tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc CMCN 4.0 đáp ứng sự phát triển của địa phương và nhu cầu người dân cũng như DN.
Hiện Bình Phước sẵn tâm thế, điều kiện nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư?
Để đón bắt cơ hội mới trong đầu tư, Bình Phước thực hiện khẩu hiệu 5 sẵn sàng:
(1) Sẵn sàng quyết tâm: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Bằng khát vọng, quyết tâm bứt phá đã giúp tỉnh đạt nhiều kết quả tốt trong năm 2020: GRDP tăng 7,51%, đứng thứ 5 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng; thu ngân sách 11.608 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ 840 triệu USD. Năm 2021 mặc dù xác định có nhiều khó khăn, song tỉnh vẫn quyết tâm phấn đấu đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,5 - 9%; thu ngân sách phấn đấu đạt 13.000 tỷ đồng.
(2) Sẵn sàng mặt bằng: Hiện nay tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) diện tích là 4.686 ha và 08 CCN diện tích 380 ha, trong đó có 08 KCN đã đi vào hoạt động. Vừa qua, tỉnh đã trình và được Chính phủ đồng ý mở rộng các KCN Minh Hưng III 577,53ha, Bắc Đồng Phú 317 ha, Nam Đồng Phú 480 ha,
Minh Hưng - Sikico 1.000 ha… đồng thời bổ sung quy hoạch mới KCN và dân cư Đồng Phú 6.317 ha, 03 KCN huyện Phú Riềng 1.300 ha và một số KCN tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư…
(3) Sẵn sàng nhân lực: Phát triển nhân lực là một trong 3 chương trình đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn tới. Hiện hàng loạt các dự án, đề án: Xây dựng trường học thông minh; củng cố, nâng cấp trường Cao đẳng nghề Bình Phước; rà soát, sửa đổi các quy định, chính sách đối với cán bộ gắn với xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ giai đoạn 2021-2025;… sẽ chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
(4) Sẵn sàng cải cách: Từ năm 2017, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh được đưa vào hoạt động và hiện 100% thủ tục hành chính về đầu tư, DN được thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỉnh luôn quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”. Đến tháng 9/2020, đã rà soát 100% TTHC; cắt giảm thành phần hồ sơ 30 TTHC và thời gian 900 TTHC. Đến nay có 458 TTHC thực hiện theo phương thức “4 tại chỗ” và có một số thủ tục chỉ thực hiện trong 01 ngày.
(5) Sẵn sàng hỗ trợ: Đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, Bình Phước sẵn sàng lắng nghe tâm tư, sẵn sàng đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, củng cố và nâng cao niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đang tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng, tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và Danh mục ưu tiên thu hút trong giai đoạn 2021-2025, cũng như thường xuyên được cập nhật phù hợp thực tế. Đây là các tài liệu quan trọng, là cẩm nang cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông
Những năm gần đây tuy điểm số chung PCI của tỉnh đều cải thiện nhưng chỉ số Gia nhập thị trường lại giảm. Các chỉ tiêu đạt thấp là:“Phải chờ hơn 01 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động”;“Phải chờ hơn 03 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động”;“Thủ tục (thay đổi) đăng ký DN: Thủ tục được niêm yết công khai;...
Để cải thiện chỉ số này, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp nhận giải quyết hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy của DN, thực hiện theo quy chế phối hợp và giám sát chặt chẽ; các điều kiện về đầu tư, kinh doanh được rà soát cắt giảm; phân công cán bộ có chuyên môn, tinh thần phục vụ tốt thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Trong năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì tích hợp 04 quy trình thành 01 quy trình, bao gồm: Đăng ký thành lập DN, Đăng ký bảo hiểm xã hội; Khai trình lao động và Đăng ký sử dụng hóa đơn theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (Tiếp nhận - Thẩm định, Phê duyệt - Trả kết quả) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thủ tục online 100% nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc thành lập doanh nghiệp.
|