Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh khá nặng nề thời gian qua, Việt Nam vẫn sở hữu các chỉ số tăng trưởng tích cực với mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã vượt 21,2% so với năm 2020 và đạt 212,6 tỷ USD. Trong đó, nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là điện thoại và linh kiện với mức tăng trưởng 13%, chiếm 16,8%. Đáng chú ý, nhóm ngành này liên tục tăng trưởng và dẫn đầu nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ 2016 đến tháng 8/2021.
Xếp thứ hai cũng là nhóm ngành điện tử, máy tính và linh kiện đã duy trì đà tăng trưởng suốt từ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 15,8%, tương ứng kim giá trị 31,3 tỷ USD. Đặc biệt, nhóm ngành này đã vượt mặt nhóm hàng dệt may liên tục từ năm 2019 đến nay. Trong khi, ngành dệt may và giày dép đã giảm tỷ trọng so với năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu chiếm lần lượt là 10% và 6%.
Ảnh
Theo Savills Việt Nam, nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có sự chuyển biến từ nhóm hàng có giá trị thấp như quần áo và giày dép sang nhóm hàng có giá trị cao như điện thoại và linh kiện, hay điện tử và linh kiện. Điều này cũng phác họa bức tranh tổng thể đang dịch chuyển của ngành công nghiệp nói chung.
Nếu nhìn theo khía cạnh FDI, ngành sản xuất và chế tạo trong năm 2021 đã tăng 16,45% so với năm 2020 và chiếm đến 53,4% tổng vốn.
Các chuyên gia của Savills cũng cho biết, trong 10 năm vừa qua, bức tranh FDI của Việt Nam đang phát triển theo chuỗi giá trị. Theo đó, nhóm ngành thiết bị điện tử đang chiếm 19,29% tổng vốn và là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất. Theo sau là ngành điện tử và máy tính với 17,14%. Hai ngành giấy, nhựa và cao su cũng chiếm lần lượt là 14,66% và 13,54%. Trong khi đó ngành dệt may, may mặc và thực phẩm đã không còn ở mức cao với vốn đầu tư còn dưới 4%.
Theo Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, ông John Campbell nhận định, Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất tạo được nhiều sự chú ý nhất khu vực Châu Á. Điều này đến từ một loạt các thế mạnh nổi bật như tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, các FTA gia tăng, lực lượng lao động trẻ, vị trí địa lý chiến lược...
Cùng theo ông John Campbell, Việt Nam đang tiếp nhận xu hướng chuyển đổi từ ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các
ngành công nghiệp có giá trị cao, mặc dù gặp phải rào cản dịch bệnh thời gian qua. Phía Savills cũng cho biết thêm “Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á".
Lý do là Việt Nam không còn nhiều chính sách ưu đãi như trước đây, dẫn đến việc tìm kiếm nguồn lao động và đất đai giá rẻ đã trở nên khó khăn hơn. Mặc dù vậy, những nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp giá trị cao vẫn khá lạc quan về triển vọng trong dài hạn của ngành công nghiệp Việt Nam.
Savills Việt Nam cũng đưa ra các nhận định khác biệt về tình hình thu hút ngành công nghiệp nghiệp tại hai miền Nam - Bắc.
Miền Bắc đang trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp nước ngoài thuộc nhóm ngành thiết bị điện tử. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khu vực này nhận được vốn FDI đăng ký mới thuộc nhóm ngành này cao nhất cả nước, chiếm 72,92% và tương ứng số vốn đạt 3,99 tỷ USD. Trong số này, ngành thiết bị điện dẫn đầu với tỷ trọng 18%, máy tính và điện tử theo sau với tỷ trọng 16%.
Ngoài ra, 4 trong 5 dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tại khu vực miền Bắc đều tập trung vào nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Ví dụ, Jinko Solar đầu tư hơn 498 triệu USD vào
khu công nghiệp Amata Quảng Ninh để sản xuất thiết bị điện. Foxconn Technology và JA Solar Investment cũng rót lần lượt hơn 270 triệu USD và hơn 269 triệu USD vào khu công nghiệp Quang Châu của Bắc Giang.
Ngược lại,
khu vực miền Nam chủ yếu là các dự án có quy mô vốn nhỏ, tập trung vào các ngành sản xuất, chế tạo truyền thống. FDI đăng ký mới phân bổ đồng đều hơn quanh mức 2-3% giữa các lĩnh vực nhựa và cao su, dệt may, thực phẩm, giấy và may mặc.
Về xu hướng phát triển của ngành, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, các doanh nghiệp đang chuyển dịch sang ứng dụng công nghệ và sản xuất theo chuỗi giá trị, khác biệt so với truyền thống. Bên cạnh đó, nhu cầu khách hàng cũng ngành càng cao hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển dịch qua mô hình sản xuất sạch hơn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Chính vì vậy các nhà phát triển bất động sản cần chú ý xu hướng mới, nhằm cung cấp các sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới này.
Từ phát triển các ngành hàng theo chuỗi giá trị, nền công nghiệp Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi và được thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa. Theo đó, các doanh nghiệp cần tích hợp thêm các công nghệ mới nổi, hiện đại như trí tuệ nhân tạo, mô hình 3D nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thời đại.