Theo báo cáo 3 xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp năm 2021 được thực hiện bởi Tập đoàn chuyên về dịch vụ quản lý bất động sản và đầu tư Colliers Việt Nam, phân khúc này đang tăng trưởng ở ngưỡng lý tưởng với giá thuê cũng như tỷ lệ lấp đầy cao. Vào  quý I và II năm 2021, giá thuê trung bình lên đến 165 USD/m2 cho đất công nghiệp tại TPHCM. Tương tự tại Hà Nội giá thuê đất công nghiệp cũng lên đến 140 USD/m2/kỳ hạn.
Và để giữ vững chu kỳ tăng trưởng này, các chủ đầu tư, ban điều hành và quản lý các khu công nghiệp liên tục nâng cấp các nguồn lực bổ sung phục vụ nhu cầu thuê đất khu công nghiệp để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, kho bãi, nhằm thích ứng với điều kiện sản xuất mới trong mùa dịch, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó là việc định hình 3 xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ thúc đẩy và thu hút đầu tư trong những năm sắp tới.

>> Xem thêm: Đầu tư Bình Phước - Sự lựa chọn hoàn hảo cho nhà đầu tư 

Đa dạng hóa nguồn cung về khu công nghiệp vệ tinh

Trong năm 2021, các tỉnh vệ tinh của TPHCM và Hà Nội liên tục được Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch các khu công nghiệp. Điều này góp phần tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp vệ tinh về các tỉnh lân cận, góp phần giảm sức nóng giá thuê tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, vốn đã liên tục leo thang suốt 2 năm gần đây.
Ở phía Bắc, số lượng nhà đầu tư tìm đến đất khu công nghiệp tại Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh liên tục tăng. Tại những tỉnh trên, ngoài quỹ đất dồi dào với vị trí tốt cùng đa dạng lựa chọn, giá thuê đất thấp hơn cũng là một yếu tố hàng đầu, dễ dàng thu hút nhà đầu tư.
Trong khi đó, khu vực phía Nam liên tục có những quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu, cũng như bổ sung các khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Gần nhất là tỉnh Long An với ba khu công nghiệp mới được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch quốc gia. Đó là khu công nghiệp Sài Gòn – Mê Kông (diện tích 200 ha), khu công nghiệp Tân Lập (diện tích 654 ha) và khu công nghiệp Lộc Giang (diện tích 466 ha).
Tỉnh Đồng Nai cũng có kế hoạch bổ sung thêm khu công nghiệp tại 6 huyện, thành phố bao gồm: Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và Long Khánh. Theo đó quy mô tùy thuộc địa phương sẽ dao động mỗi khu từ 200 đến 900 ha.

Tỉnh Bình Phước hiện đang là khu vực có tăng trưởng bất động sản công nghiệp nóng nhất tại khu vực phía Nam. Vào đầu năm 2021, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận chủ trương mở rộng đất khu công nghiệp Bình Phước. Tỉnh Bình Phước cũng đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích đất công nghiệp lên đến 10.000 ha vào năm 2025. Đặc biệt, Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico Bình Phước đang từng bước hoàn thành các thủ tục mở rộng KCN thêm 1000 ha giai đoạn 2. Tại đây, NĐT có thể dễ dàng lựa chọn lô đất có kích thước phù hợp với dây chuyền sản xuất, quy mô đầu tư cũng như có thể mở rộng cơ sở sản xuất trong tương lai ngay tại KCN khi có nhu cầu.
Với tiềm năng lớn từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc mở rộng và tăng cường các khu công nghiệp vệ tinh sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung, giúp thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục kéo dài chu kỳ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đổi mới mô hình khu công nghiệp sinh thái

Theo Colliers Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đang là một xu hướng phát triển mới, được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm gần đây, cũng như dự báo tăng trưởng mạnh trong tương lai. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp cam kết, hợp tác và hành động với mục tiêu chung về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như môi trường tự nhiên.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu công nghiệp sinh thái có thể phân loại theo 5 nhóm:
  • Khu công nghiệp sinh thái nông nghiệp
  • Khu công nghiệp sinh thái lọc hóa dầu hay hóa chất
  • Khu công nghiệp sinh thái tái tạo tài nguyên
  • Khu công nghiệp sinh thái nhà máy điện
  • Khu công nghiệp sinh thái năng lượng tái sinh
Đây là 5 nhóm khu công nghiệp sinh thái mà các tỉnh vệ tinh có thể tham khảo và ứng dụng trong phát triển bất động sản công nghiệp những năm sắp tới. Đây là hướng đi triển vọng, hứa hẹn chiến lược phát triển bền vững, cân bằng trong việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và hiệu suất của nhà sản xuất. Khu công nghiệp sinh thái cũng sẽ góp phần tích cực trong quá trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và thế giới.

Theo Ngân hàng ADB, ba bước đi giúp chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái gồm:
  • Đẩy mạnh năng lực chuyển giao công nghệ
  • Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất
  • Hạn chế phát thải tối đa
Ngoài ra, ưu tiên thí điểm một số khu công nghiệp truyền thống theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Từ đó rút ra kinh nghiệm và ứng dụng, nhân rộng mô hình này tại các huyện và thành phố cho phù hợp.

Tăng kết nối đồng bộ tại các khu công nghiệp

Thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, cách làm hay... đang là cơ chế được các thủ phủ công nghiệp, các địa phương chia sẻ nhằm tạo nên hệ thống phát triển đồng bộ cùng với nhau. Cơ chế này giúp các địa phương có thể tận dụng tốt ưu thế riêng, tạo nền tảng phát triển kinh tế liên vùng, đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, việc đồng bộ cơ chế giúp các địa phương, các khu công nghiệp dễ dàng liên kết tạo nên chuỗi cung ứng khép kín, hỗ trợ sản xuất, logistic hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo ra được chuỗi sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh, tạo nên sự phát triển bền vững cho nền công nghiệp Việt Nam.
 
Nguồn tin: Vnexpress