Trong 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng 54%

14/12/2021
Việt Nam đang nổi lên như điểm đến số 1 của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản nhờ những lợi thế vượt trội. Mặc dù tình hình kinh doanh khó khăn chung, nhưng từ đầu năm đến tháng 11/2021, số vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020.

Xếp vị trí thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đang xếp vị trí thứ 2 trong số quốc gia có nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Trong đó, 4.792 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký tính đến tháng 11/2021 là 64,2 tỷ USD, chiếm đến 15,8% tổng vốn đầu tư trực nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào Việt Nam từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo
FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo
Mặc dù thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19, nhiều nơi phải áp dụng thắt chặt giãn cách xã hội, nhưng dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đạt 3,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021. Con số này chiếm gần 14% tổng vốn FDI của hơn 100 quốc gia và lãnh thổ vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI đến từ Nhật Bản đã tăng 54% so với với cùng kỳ 11 tháng 2020. Trong số đó, hầu hết là số vốn đầu tư mới chiếm 73,4%, vốn đầu tư mở rộng chiếm 20,4% và còn lại là số vốn góp, mua cổ phần.
Trước xu hướng đó, ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – đánh giá sự tăng trưởng dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cho thấy niềm tin rất cao của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, bất chấp khó khăn và thách thức của tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã đầu tư trên 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến hơn 42 tỷ USD số vốn đăng ký. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản cũng quan tâm đầu tư đến các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…
Ngoài chiếm tỷ trọng lớn về số vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản còn mở rộng và dàn trải đầu tư tại 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam. Trong số đó, Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng là những tỉnh thành được các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư chính.

Xem thêm: Vốn ngoại đổ dồn vào Việt Nam, khấy động bất động sản công nghiệp

Ngoài các thương hiệu kỳ cựu như Honda, Toyota, Sony, Panasonic, Canon… các nhà đầu tư Nhật Bản đang mở rộng đầu tư theo hình thức mua bán, sáp nhập (M&A), nhằm đáp ứng với nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng vốn chịu nhiều áp lực những năm gần đây.
Một số dự án lớn rất đáng chú ý gần đây như: Công ty Dược phẩm ASKA mua 25% cổ phần của Công ty dược Hà Tây; Tập đoàn Haseko mua 36% cổ phần Công ty xây dựng Ecoba; Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông…
Trong năm 2021, hình thức M&A của Nhật Bản đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên điều này đến từ những bất lợi vì dịch bệnh Covid-19, không phải từ nội lực kém hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Theo dự báo từ các chuyên gia, thị trường M&A vẫn được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và sẽ tiếp tục sôi động khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Việt Nam sở hữu những lợi thế hấp dẫn

Với những đặc điểm chung về văn hóa, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn nhận thấy các lợi thế hấp dẫn của Việt Nam như chi phí đầu tư, nguồn lực lao động và chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện… Chính những điều này mà các nhà đầu tư của Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để mở rộng đầu tư trong tương lai.
Tại Tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) lần thứ 41, ông Toshikazu Kanayama – Đại diện Sở Kinh tế Công nghiệp tỉnh Aichi - cho biết, thị trường Việt Nam là ưu tiên đầu tư số 1 với các doanh nghiệp Nhật Bản trong 2 năm trở lại đây, và là thị trường chủ đạo được các doanh nghiệp tỉnh Aichi quan tâm và xúc tiến đầu tư.
Và để tạo thêm cầu nối cho các doanh nghiệp tỉnh Aichi nói riêng và doanh nghiệp Nhật Bản nói chung đầu tư vào Việt Nam, Aichi Support Desk với sự hỗ trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức hoạt động từ năm 2008. Aichi Support Desk sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Aichi tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, từ đó nhanh chóng xúc tiến các hoạt động và sản xuất, kinh doanh. Và ông Toshikazu Kanayama cho biết, Aichi Support Desk tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Về phía Việt Nam, chính phủ cũng cung cấp một loạt những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Cụ thể như: Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết liệt đưa ra một loạt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá được ưu tiên hàng đầu, để khôi phục nhanh chóng chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp; các chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam…
Tính từ đầu năm đến nay, 183 dự án mới được các nhà đầu tư Nhật Bản triển khai tại Việt Nam với số vốn đăng ký tổng cộng đạt 2,7 tỷ USD. Trong đó, dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II và dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina là 2 dự án quy mô lớn. Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II được đầu tư tại Cần Thơ với tổng số vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Trong khi nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina tại Vĩnh Phúc có số vốn đăng ký tổng cộng là 611,4 triệu USD cho công suất lên đến 800.000 tấn/năm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoà

Nguồn tin: Công Thương

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây