Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) ông Hứa Quốc Hưng cho biết: "Đã rất lâu rồi TP HCM chưa có một Khu công nghiệp nào mới, trong khi quỹ đất công nghiệp và số khu công nghiệp các tỉnh lân cận vượt trội rất nhiều".
Hiện tại, TP HCM Có 19/23 khu chế xuất và khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 4.500 ha. Con số này chiếm 76,78% quy mô diện tích đất quy hoạch dành cho phát triển khu công nghiệp tính đến năm 2020 (hơn 5.900 ha). Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 63%.
Khu công nghiệp Tân Tạo ở quận Bình Tân, TP HCM.
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ có thêm 4 khu công nghiệp trong tương lai. Trong đó 3 khu công nghiệp đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương nhưng chưa thực hiện quy họach, bao gồm Bàu Đưng (175 ha), Phước Hiệp (200 ha), Xuân Thới Thượng (300 ha). Việc quy hoạch đã kéo dài 13 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Chính vì vậy, thành phố đã trình công văn xin chủ trương đưa 3 khu công nghiệp trên ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (668 ha) vào quy hoạch để đảm bảo tổng quỹ đất khu công nghiệp thành phố được duyệt là 7.000 ha.
Ông Hưng cho biết, trong năm 2010 - 2015, TP HCM vẫn dẫn đầu cả nước về các chỉ số kinh tế trong khu công nghiệp và đất công nghiệp. Tuy nhiên kể từ năm 2016, quỹ đất công nghiệp của thành phố bắt đầu có nhiều hạn chế. "Tới thời điểm hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Trong khi quy hoạch của thành phố có 5.800 ha đất công nghiệp", ông Hưng nói.
So với các địa phương lân cận như Tây Ninh với 11.000 ha đất khu công nghiệp và 5 khu công nghiệp; Bình Dương với 18.000 ha đất công nghiệp và 32 khu công nghiệp; Đồng Nai với 28 khu công nghiệp; hay Bình Phước với 13 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế, các chỉ số thu hút công nghiệp của TP HCM bắt đầu tụt lại.
Nếu tính riêng tỉnh Bình Phước, tình hình thu hút vốn FDI trong năm 2021 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Số lượng dự án FDI vào các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước lên đến 70 dự án và số vốn là 600 triệu USD. Cả hai chỉ số này đều tăng gấp 2 và 3 lần so với năm 2020, vượt đến 1,5 lần kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Dù là một tỉnh ven khu vực Đông Nam Bộ, phát triển sau rất nhiều TP HCM, nhưng hiện tại 13 khu công nghiệp ở tỉnh Bình Phước đã có tổng diện tích lên đến 4.686 ha. Tỷ lệ lấp đầy cũng đạt trên 81%, cao hơn mức bình quân cả nước là 52,5%. Trong số 13 KCN trên địa bàn Bình Phước, có đến 7 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước liên tục thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí môn bài; giảm tiền thuê đất; các chính sách ưu đãi thuế suất có thời hạn dài… 
Hiện tại, Bình Phước còn một loạt các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, diện tích khai thác còn khá lớn. Có thể kể ra như KCN Minh Hưng Sikico với quy mô 655 ha giai đoạn 1 và 1.000 ha giai đoạn 2. KCN này tọa lạc tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, nổi bật với mô hình khu công nghiệp phức hợp, vốn rất được ưa chuộng trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
KCN Minh Hưng Sikico cũng đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn hình với nhà máy cấp nước công suất 6.000 m3/ngày và nhà máy xử lý nước thải công suất lên đến 25.000 m3/ngày-đêm. Đặc biệt KCN Minh Hưng Sikico có thể tiếp nhận đa dạng ngành nghề, từ ngành công nghiệp sạch, đòi hỏi phát sinh nhiều khí thải, nước thải, cho đến ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất giấy, chế biến gỗ… Ngoài ra, KCN này còn xây dựng Hệ sinh thái dịch vụ, hỗ trợ linh hoạt nhà đầu tư từ khâu bắt đầu xin giấy phép cho đến giai đoạn hoạt động như tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực…
 
Tác giả bài viết: Hải Phạm
Nguồn tin: vnexpress.net