Ưu tiên sản xuất an toàn
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu điều nhân trắng, công ty TNHH MTV Thế Vinh (tại huyện Bù Đăng) đã thay đổi mô hình sản xuất nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Cụ thể là các biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa nhân viên và người ngoài, duy trì áp dụng “5K” và khử khuẩn định kỳ khu vực sản xuất, kho hàng, cũng như khu vực lưu trú của công nhân và nhân viên giám sát y tế. Doanh nghiệp này cũng bố trí ⅔ số lượng nhân viên lưu trú ngay tại chỗ, đồng thời hỗ trợ chi phí ăn uống 60.000 đồng/ngày/người. Các công nhân khi trở lại nhà máy tiếp tục lao động sẽ được xét nghiệm Covid-19. Ngoài ra, các nhân viên tiếp xúc với các đơn vị khác sẽ được bố trí công việc giao hàng, đồng thời khu vực làm việc riêng để hạn chế tiếp xúc với nhân sự ở khu vực sản xuất.
Ảnh minh họa
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đều nâng cao tuyên truyền, xây dựng ý thức phòng dịch kết hợp với thích ứng sản xuất an toàn trong điều kiện mới đến người lao động, đồng thời xây dựng hệ thống nhắc nhở, cảnh cáo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp cũng xây dựng lực lượng kiểm soát, giám sát an toàn dịch bệnh từ xa, từ vòng ngoài, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho đội ngũ lao động, công nhân, duy trì các lực lượng y tế lưu động nhằm hỗ trợ khi có ca nghi nhiễm.
Riêng
các khu công nghiệp sẽ xây dựng mô hình trạm xá, khu cách ly riêng và các chính sách hỗ trợ cho các công nhân phải tạm nghỉ do cách ly y tế. Với người lao động, các doanh nghiệp yêu cầu ký cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các quy định về an toàn khi di chuyển, lao động trong khu vực sản xuất.
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm, người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sử dụng mô hình xe đưa đón công nhân và giám sát người trở về từ vùng dịch.
Vượt khó nhờ sáng tạo các mô hình mới
Một điểm sáng trong thời gian vừa qua chính là sự năng động và sáng tạo của các doanh nghiệp nhằm thích ứng với điều kiện bình thường mới. Hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng và chịu rất nhiều bất lợi nếu không thích ứng kịp thời.
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh cây cảnh, công ty TNHH MTV Cây xanh Lê Nhi gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã chủ động thay đổi sang mô hình cung cấp đa dạng giống rau sạch cho nông dân. Khi giao giống, nhân viên của công ty đều được cử xuống để hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho nông dân, đồng thời tổ chức đảm bảo bao tiêu đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Chính điều này đã mang đến lượng khách hàng ổn định, hiệu quả sản xuất cao cũng như chất lượng thành phẩm đồng đều. Người nông dân được đảm bảo thu nhập, góp phần phát triển nền nông nghiệp địa phương.
Với thế mạnh về nông, lâm nghiệp, tỉnh Bình Phước đã xây dựng định hướng phát triển sản xuất gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu, tạo nên chuỗi hàng hóa giá trị gắn liền với thương hiệu đặc trưng của Bình Phước, định hướng doanh nghiệp áp dụng sâu rộng khoa học công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Điều này đã mang lại những kết quả tích cực sau 10 tháng đầu 2021. Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Phước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 900 với tổng số vốn đăng ký trên 15.900 tỷ đồng. Con số này đã tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,8%, công nghiệp chế biến tăng 15,7% và sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,1%... Tất cả đều giúp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt trên 9.921 tỷ đồng.
Xem thêm: Bình Phước vượt kế hoạch thu ngân sách sau 9 tháng
Với niềm tin tưởng thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, các lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng rất quan tâm và hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp vượt khó trong thời gian qua. Phương châm “hai nhanh”, “ba tốt” chính là kim chỉ nam giúp UBND tỉnh triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ. Theo đó, “hai nhanh” bao gồm nhanh chóng giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thực hiện thủ tục đầu tư. Trong khi “ba tốt” bao gồm chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Phước cũng tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, cũng như chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nhằm phù hợp với bình thường mới. Một loại các chính sách mới như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các kênh khác nhau nhằm hỗ trợ tài chính,
chuyển đổi số; đào tạo và tư vấn nâng cao các kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp; tích cực liên kết doanh nghiệp vào các chuỗi giá trị, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn nắm vai trò đầu tàu của tỉnh.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa luôn thông suốt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như công nghệ vào các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, trinh Bình Phước cũng xây dựng các tổ công tác nhằm hỗ trợ, tháo gỡ giúp các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục sản xuất, cũng như tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo và tăng cường kết nối với các địa phương Tây Nguyên, cũng như các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.