TP.HCM cần chủ động tháo gỡ vướng mắc để giữ chân nhà đầu tư

21/04/2022
Trước nhu cầu và xu hướng đầu tư đang thay đổi mạnh mẽ, TP.HCM cần đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn quy trình, giảm các rào cản không cần thiết… để nhà đầu tư có bước khởi động kinh doanh nhanh chóng, thuận lợi.
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) đã có cuộc trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM về chủ đề thu hút các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (FDI) có chất lượng cao tại TP.HCM. Ông cho rằng, địa phương này cần có những thay đổi trong chính sách cũng như tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất cho các NĐT nước ngoài.

Không đổi mới, sáng tạo sẽ tụt hậu

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của các công ty FDI trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua?
+ Ông Nguyễn Văn Bé: TP.HCM có đà phục hồi nhanh và phát triển thành công có một phần đóng góp không nhỏ, có nhiều ý nghĩa quyết định từ các NĐT nước ngoài. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã tin tưởng, đồng hành và gắn bó cùng thành phố.
Riêng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, gần 80% doanh nghiệp FDI vẫn tổ chức sản xuất và hoạt động dựa trên mô hình “ba tại chỗ” hay “một cung đường - hai điểm đến” trong mùa dịch dù tốn rất nhiều chi phí. Với các cam kết đó, tổng giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM đạt đến 21 tỷ USD trong cả năm 2021, và còn kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ cao hơn nữa trong năm 2022
TP.HCM thu hút nguồn FDI khá lớn và đóng góp tỷ trọng khá tốt so với cả nước. Vào năm 2020, TP.HCM vẫn đứng đầu cả nước về đóng góp dòng vốn FDI nhưng đến năm 2021 lùi về vị trí thứ ba. Vậy điều gì khiến TP rớt hạng như vậy, thưa ông?
TP.HCM ảnh hưởng khá lớn bởi tác động tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2021, điều này gián tiếp giảm sức hút FDI so với thời gian trước. Và dù có vị thế là đầu tàu kinh tế cả nước, bên cạnh định hướng về TP thông minh, sáng tạo, nhưng nếu không có các quyết sách đổi mới mạnh mẽ, TP.HCM vẫn có thể bị tụt hậu lại phía sau.
Thực tế mức độ cạnh tranh thu hút FDI của TP.HCM so với các địa phương miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, thậm chí là các tỉnh kế cận như Long An, Bình Dương đang có dấu hiệu hụt hơi. Dòng vốn FDI mà các tỉnh, thành này thu hút suốt thời gian qua lên đến hàng tỷ USD nhờ chính sách thu hút thông thoáng, cũng như sự chủ động của chính quyền trong việc tháo gỡ ngay các vướng mắc của NĐT.
Trong khi tại TP.HCM, thành phố còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc cần giải quyết ngay nhưng vẫn trì hoãn bởi thủ tục, chính sách…
giữ chân nhà đầu tư khu công nghiệp 1
TP.HCM đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả doanh nghiệp công nghệ cao.

Điểm nghẽn lớn nhất

Theo ông, điểm nghẽn nào là lớn nhất hiện nay?
Ví dụ cụ thể cho vấn đề này là Khu công nghiệp Hiệp Phước. Tại đây có 300 ha đất sạch nhưng chưa thể mời gọi bất kỳ NĐT nào thuê lại toàn bộ hoặc một phần. Lý do là khu vực này chưa định được giá thuê đất, và vấn đề này đã kéo dài liên tục suốt nhiều năm mà chưa được giải quyết.
Chính điều này mà rất nhiều NĐT nước ngoài ngậm ngùi “quay xe” sang các tỉnh, thành lân cận dù rất hào hứng khi tiếp cận TP.HCM với một hệ sinh thái đầy tiềm năng cho sản xuất kinh doanh. Với các tỉnh, thành khác, NĐT nhận được những hỗ trợ tích cực, thủ tục dễ dàng hơn.
Ngay tỉnh kế cận Long An đã có sự đón tiếp khác hẳn với các cơ quan quản lý tại TP.HCM. Trong khi đó các tỉnh miền Bắc có lợi thế cạnh tranh với tiềm lực đất đai còn nhiều, lực lượng lao động dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng, với khu vực địa lý sát bên công xưởng của thế giới là Trung Quốc.

Thu hút FDI chất lượng cao

Đây là mục tiêu hàng đầu với TP.HCM trong thời gian tới. Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM - bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, các tổ công tác đã được Sở thành lập nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tham gia vào từng công việc và vấn đề cụ thể, trực tiếp giải quyết các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh… cho NĐT nước ngoài.
TP.HCM còn chuẩn bị hơn 300 ha đất dành cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả doanh nghiệp công nghệ cao. Với định hướng này, không chỉ các NĐT nước ngoài mà các doanh nghiệp trong nước cũng dễ dàng gia nhập vào chuỗi liên kết ngành trong thời gian tới. Ngoài ra, TP cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến.

Nhưng TP.HCM cũng có rất nhiều lợi thế?
Đúng vậy, với lợi thế tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề, TPHCM là nơi cung cấp nguồn đào tạo và chất xám lớn nhất cả nước. Tuy nhiên chúng ta lại không có nguồn đất, không thu hút được NĐT.
Mặc dù vậy, TP.HCM sẽ cải thiện được vấn đề này nếu nghiêm túc xem xét lại bộ máy, thủ tục hành chính, sự chuẩn bị về đất đai lẫn con người cũng như cách trải thảm đón NĐT. Chính một loạt các vấn đề trên khiến TP.HCM không được NĐT ưu ái như trước.
Phải chăng giá đất là yếu tố đầy tiềm năng để tăng thu ngân sách trên cả hiệu quả thu hút đầu tư?
Đây không phải là vấn đề. Từ năm 1991, khi xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận lần đầu, chúng tôi khẳng định tiền thuê đất không phải là vấn đề lớn khi thu hút nguồn vốn FDI. Sau này khi quyết định mở rộng vào nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao mới hơn, TP.HCM cũng không chú trọng vào yếu tố tiền thuê đất để tạo thu hút nguồn vốn FDI. Chúng tôi tập trung vào các yếu tố cốt lõi khác như mở ra con đường thu hút vốn liếng nước ngoài đổ vào, tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn cho TP, thu hút công nghệ mới, tạo ra công ăn việc làm.

Phải chủ động tháo gỡ khi có vướng mắc

Ông có lo ngại các FDI hiện hữu chuyển nhà máy sang các tỉnh, thành khác?
Ông Nguyễn Văn Bé: Hiện tại nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM xuất hiện xu hướng một số công ty mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư xây dựng nhà máy ở Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Trong khi đó, TP.HCM lại không đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu trên. Ngoài ra, các vướng mắc về cơ chế, thủ túc nên họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sang các tỉnh, thành khác mở thêm nhà máy.
Và mặc dù vẫn giữ nhà máy hiện hữu tại TP.HCM, nhưng không có nhiều cơ sở chắc chắn để giữ chân họ. TP.HCM cần đặc biệt lưu tâm đến điều này nếu không muốn trở thành vấn đề lớn.
Cụ thể các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM phải hết sức chủ động để giữ chân và thu hút đầu tư. Nếu bị vướng mắc thì phải xem lại do mình, do cơ chế hay vấn đề gì. Cái nào cần TP tháo gỡ thì phải báo cáo ngay.

Xem thêm: Làn sóng chuyển dịch đầu tư sang KCN vùng ven

Theo ông, để giữ vững vị trí đầu tàu thu hút dòng vốn FDI thì TP.HCM cần ưu tiên làm gì?
Quyết liệt phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, xây dựng hạ tầng đường bộ, mở rộng các dịch vụ khai thác kho bãi cảng, dịch vụ logistics là một loạt nhiệm vụ mà TP.HCM cần làm ngay để thu hút FDI. Cần phải đưa ra các chính sách thân thiện hơn với NĐT, đơn giản hóa các quy trình thủ tục để NĐT có thời gian khởi động kinh doanh nhanh chóng.
Ngoài ra, TP.HCM cần xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính nhà lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, TP.HCM cần phải đồng hành với doanh nghiệp, sẵn sàng nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc của họ với tâm thế nhanh nhất, gọn nhất.

Hình thành khu kinh tế giá trị gia tăng

Nếu vấn đề sử dụng đất được tính toán hợp lý thì TP.HCM sẽ nhắm đến dòng vốn FDI trong tương lai ra sao, thưa ông?
Theo quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM có đến 3.500 ha đất phát triển công nghiệp. Tuy nhiên với 18 khu công nghiệp Tp.HCM, khu chế xuất ở thời điểm hiện tại, TP.HCM mới chỉ dùng hơn 2.000 ha. Trong tương lai, quỹ đất dôi dư sẽ được định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao.
Ngay Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung còn đến hàng chục hecta đất cho phát triển công nghệ cao. Chưa kể số NĐT cũ hết thời hạn hoạt động cũng cần tổng hợp lại và dành cho phát triển các khu công nghệ cao mới.
Phải tính toán lại và hình thành những khu chế xuất, khu công nghiệp thành khu kinh tế giá trị gia tăng cho TP.HCM. Chưa kể TP.HCM cũng phải xây dựng cơ chế, tổ chức quản lý mọi mặt cho đời sống xã hội ngay trong khu, chứ không phải tư tưởng cũ là khu công nghiệp gắn chặt với nơi sản xuất, còn bên ngoài khu mới là cuộc sống của người lao động. Với định hướng này, Khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước nên được liên kết lại với nhau.
Tất cả sẽ hình thành nên một vùng sinh thái có sức phát triển mạnh mẽ trong tương lai, tiến đến hình thành trung tâm đổi mới, sáng tạo. Đây là một động lực cho sự phát triển của cả TP.HCM lẫn vùng Đông Nam bộ.
Xin cám ơn ông.

Tác giả bài viết: PHƯƠNG MINH - QUANG HUY

Nguồn tin: PLO

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây