Nhìn lại tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam

30/11/2021
Nếu không có những chiến lược bài bản, chính sách đột phá và sáng tạo, Việt Nam được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nay đến năm 2030, cũng như lộ trình dài hạn đến năm 2045.
“Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nội dung quan trọng của hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam.
Dựa trên báo cáo của Unido, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số. Nếu xét theo nhóm nền kinh tế chủ động theo đuổi công nghiệp 5.0, Việt Nam xếp thứ 15 trong số 40.
Một điểm sáng là ngành công nghệ thông tin của Việt Nam có tốc độ thay đổi mạnh mẽ, đi tắt đón đầu để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số. Hệ thống mạng viễn thông 5G cũng được triển khai rộng khắp nhờ cơ sở hạ tầng tạo được nền tảng tốt, giúp đẩy mạnh nền sản xuất thông minh.
Dựa trên nền tảng này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã ứng dụng hệ điều hành sản xuất dựa trên nền tảng số hóa, vận hành dây chuyền tự động xuyên suốt chuỗi giá trị. Ví dụ các doanh nghiệp tiêu biểu như Thaco Mazda, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải (Hải Phòng), nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, hay giàn khoan tự nâng của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel…
Mặc dù vậy, công bố mới nhất vào tháng 11/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn còn 70% doanh nghiệp sử dụng máy móc do con người điều khiển, thủ công chiếm 20%, trong khi máy móc điều khiển tự động bằng máy vi tính chỉ 9%. Thậm chí chỉ số công nghệ sử dụng robot, sản phẩm đắp lớp 3D dưới 1%.
Chưa kể số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 75% nền kinh tế. Và chưa đầy ⅔ doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát chưa có niềm tin vào đầu tư công nghệ mới, hiện đại hơn.

Những tín hiệu tích cực ban đầu

Theo khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ một phần các doanh nghiệp tại Việt Nam có các hoạt động đổi mới, tiên phong ứng dụng công nghệ.
Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành sản xuất có hoạt động nghiên cứu và phát triển vẫn còn khiêm tốn: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%...
Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam
Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam - Ảnh 1
“Thực tế này cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”, ông Hiển nhận định.
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cũng cùng có nhận định khi xác định cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học nhằm thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam.
Đại diện của Bộ Công Thương cũng nhận định các doanh nghiệp đang tiếp cận rất hạn chế trước yêu cầu của nền sản xuất thông minh, cũng như đầu tư vào hệ thống nhà máy thông minh còn rất thấp. Số lượng công ty ứng dụng công nghệ 4.0 không cao, chỉ từ 2-3% và cũng không nhiều doanh nghiệp cho thấy tiềm năng đầu tư và áp dụng các công nghệ hiện đại này.
Ngoài ra, khá nhiều doanh nghiệp không thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát các thiết bị sản xuất do chậm cập nhật cũng như đầu tư đã lâu. Chính khoảng cách công nghệ khiến việc ứng dụng, cải tiến cũng như nâng cấp gặp nhiều hạn chế và đòi hỏi chi phí lớn.
Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản trị còn rất thấp, đặc biệt là nhóm phần mềm quản lý chuỗi cung ứng SCM và quản lý theo vòng đời sản phẩm chưa được quan tâm đúng mực. Ngoài ra, lực lượng lao động có thể đáp ứng các kỹ năng vận hành, sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại, thích ứng với công nghệ mới chưa cao.
Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam
Bức tranh công nghiệp hoá của Việt Nam - Ảnh 2

Các giải pháp cải thiện nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Để cải thiện tình hình, tháo gỡ các nút thắt hạn chế trên, các doanh nghiệp nói chung cũng như người lao động nói riêng cần sự đột phá, cũng như thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ trong tư duy. Theo ông Hiển nhấn mạnh: “Phát triển sản xuất thông minh cần gắn với quá trình tái cơ cấu lại ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Về phía Bộ Công Thương, Ông Cương cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn. Môi trường chính sách là một trong ba yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong sản xuất thông minh và chuyển đối số. Chính vì vậy Bộ sẽ tạo nên các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Các chính sách đặc thù và đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đối số với các doanh nghiệp sẽ được ưu tiên xây dựng, nhằm tạo tiền đề cho liên minh công nghiệp và công nghệ số, phát triển sản phẩm theo chuỗi.
Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn lực số và tạo nên nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp số cho các doanh nghiệp. Một số dự án chuyển đổi số có tính đại diện sẽ được ưu tiên triển khai nhằm tạo sự lan tỏa, và nhân rộng mô hình đã triển khai để tăng hiệu quả trong thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, các doanh nghiệp cần thay đổi từ nhận thức, tư duy cho đến mô hình kinh doanh, cũng như chiến lược sản phẩm và cơ chế vận hành, để có thể ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất.
Yếu tố quan trọng quyết định chuyển đổi số thành công chính là việc tiếp thu các tri thức từ bên ngoài và vận dụng phù hợp với phong cách VIệt Nam. Việc chuẩn hóa cũng cần đơn giản hóa thì việc chuyển đổi số sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, giữa các thế hệ công nghệ khác nhau cần có sự chuẩn hóa hợp nhất các nền tảng nhằm tạo nên bước chuyển đổi số, hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông IL-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Vietnam, Việt Nam cần tạo nền tảng mạnh mẽ để chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh. Ông IL-Dong Kwon cho biết: “Chúng ta không thể chuyển đổi số nếu không có nền tảng mạnh mẽ, vững chãi, bởi sẽ giống như xây lâu đài bằng cát. Trước khi chuyển đổi số cần suy nghĩ nền tảng cốt lõi trong doanh nghiệp của mình và xây dựng trên nền tảng đó. Tuy nhiên, không nên tập trung quá nhiều vào điểm cốt lõi, các doanh nghiệp cần có sự cân bằng giữa chi phí và sự tăng trưởng. Có chiến lược về tăng trưởng như: tăng trưởng nhà máy, tăng trưởng năng lực, làm sao để thích ứng nhanh trong 1 tuần chứ không phải 2 tháng… Khi đó chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công”.
Về phía ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, cơ sở dữ liệu chung cần được đánh giá cao và ưu tiên thiết lập nhằm giúp các doanh nghiệp có nền tảng hỗ trợ, từ đó có thể chuyển đổi số một cách nhanh chóng và chính xác. Với ông, cơ sở dữ liệu chung chính là khởi nguồn cho quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên hiện tại Việt Nam gần như chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia đúng nghĩa. Một tín hiệu tích cực là Chính phủ đã bắt đầu xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý công nghệ cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ông Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Nếu không có cơ sở dữ liệu thì không thể khai thác được công nghệ và không thể sử dụng nó cho quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ rất khó để đưa tự động hóa vào, rất khó để đưa các hệ thống thông minh vào sản xuất kinh doanh”.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sáng kiến giao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin để chủ trì, xây dựng các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cơ bản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Quân nhấn mạnh tính công khai, minh bạch để tất cả doanh nghiệp và cơ quan có thể khai thác tối đa, mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu các cơ sở dữ liệu này trong tình trạng đóng hoặc mở có điều kiện thì các công nghệ thông minh khó có thể vận hành một cách tối ưu và phát huy hiệu quả tốt nhất.

Tác giả bài viết: Vũ Khuê

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây