Phát triển hạ tầng công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng mới

20/04/2022
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang hình thành một xu hướng mới là phát triển hạ tầng công nghiệp xanh. Các nhà đầu tư đang tích cực rót vốn vào phân khúc này vốn mang lại sự an toàn, lợi kinh tế cho cả nhà sản xuất và người lao động.
Phát triển hạ tầng công nghiệp xanh

Vừa qua, khu công nghiệp (KCN) VSIP III - Bình Dương vừa được tập đoàn LEGO của Mỹ thuê 44 ha đất để xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD. Ngoài ra, có hơn 30 tập đoàn, công ty nước ngoài và trong nước đang quan tâm và dự định phát triển sản xuất tại KCN Bình Dương rộng 1.000 ha.
VSIP là liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và một liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development dẫn đầu, chuyên về đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp. KCN VSIP III cũng là KCN thứ 4 của liên doanh này tại Bình Dương và thứ 11 trên cả nước. Gần đây, liên doanh này còn tăng hơn 940 triệu USD để đầu tư dự án hạ tầng đô thị và dịch vụ tại KCN VSIP Bắc Ninh.

Ồ ạt vốn rót vào hạ tầng sản xuất

Ngoài VSIP, quỹ đầu tư Gaw NP Capital từ Hồng Kông cũng mở rộng lĩnh vực đầu tư vào khu công nghiệp. Bằng chứng là thỏa thuận hợp tác giữa quỹ này với Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt để phát triển khu nhà xưởng mới tại KCN Hoàng Mai 1 (Nghệ An). Đây là dự án tiếp theo mà Gaw NP Capital đầu tư tại Việt Nam sau 3 dự án trước đây triển khai ở Thái Nguyên và Hải Phòng.

Trước sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực hậu cần và thương mại điện tử, cùng với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam, hàng loạt quỹ đầu tư và nhà phát triển bất động sản khác cũng đang tìm cơ hội rót vốn vào bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Giám đốc điều hành, nhà đồng sáng lập Gaw NP Capital - ông Võ Sỹ Nhân nhận định, với hạ tầng cơ sở đồng loạt cải thiện trên cả nước, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng để hỗ trợ phục hồi kinh tế mà lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp, và đó là cơ hội bức phá mà Gaw NP Capital không muốn bỏ lỡ. Theo kế hoạch 18 tháng tới, quỹ đầu tư này sẽ chi khoảng 200 - 500 triệu USD cho các dự án mới. Ngoài ra, diện tích nhà máy và nhà kho xây sẵn cho thuê cũng sẽ tăng lên gấp đôi vào cuối năm 2022, so với mức 50 ha mà Gaw NP Capital hiện có.
Vào đầu năm nay, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW chính thức tiếp cận thị trường bất động sản công nghiệp tỉnh Quảng Ninh khi chính thức mua lại khu đất với diện tích 74.000 m2 tại KCN Bắc Tiền Phong, thể hiện tham vọng mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường miền Bắc.
Tổng giám đốc BW, ông Lance Li khẳng định: “Việt Nam đang được hưởng lợi lớn từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng do tác động của dịch bệnh; chúng tôi nhận thấy dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các nhà xưởng, nhà kho chất lượng quốc tế ở Việt Nam”. Với hợp đồng vừa ký kết, BW đã mở rộng tổng diện tích sàn lên đến 2,2 triệu m2, bao gồm cả bất động sản đã hoàn thiện và đang được xây dựng.
SLP cũng là một nhà đầu tư nổi bật khi vừa khởi công xây nhà kho hạng A – SLP Park Xuyên Á, tại Long An. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong quý I/2023 với diện tích 84.000 m2. Ông Jenkin Chiang - Giám đốc điều hành SLP cho biết, bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn lẫn dài hạn có sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến sự dịch chuyển này, thúc đầy tăng trưởng thương mại điện tử cũng như hoạt động hậu cần. Tính đến thời điểm hiện tại, SLP đã phát triển sáu dự án với tổng diện tích đất đạt mức 860.000 m2. Trong những năm tới, doanh nghiệp này dự kiến phát triển diện tích sàn lên từ 1 - 1,5 triệu m2.
Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam - ông John Campbell cũng nhấn mạnh, Việt Nam mở cửa lại các hoạt động kinh tế đã có tác động quan trọng và củng cố niềm tin các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, đem lại các triển vọng bức phá mới với lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Ngoài ra, nền sản xuất công nghiệp hồi phục cũng giúp Việt Nam tạo dựng được sự tin tưởng của giới đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp.

Phát triển hạ tầng xanh

Để mở rộng kinh doanh sau đại dịch hoặc dịch chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm nhà xưởng, đất công nghiệp. Trước nhu cầu đó, nhiều chủ đầu tư đã gia tăng quỹ đất và tích cực phát triển các dự án mới. Đặc biệt là nhu cầu phát triển sản xuất xanh, bền vững của các tập đoàn lớn ngày càng tăng đã kéo theo sự thay đổi trong việc phát triển hạ tầng KCN hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, các dự án bất động sản công nghiệp càng đặt yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường lên hàng đầu sẽ càng dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư.
Điển hình như LEGO chọn VSIP II vì KCN này đáp ứng được các yêu cầu xanh của họ. Phó chủ tịch Tập đoàn LEGO - ông Preben Elef cho biết, dự án ở Bình Dương khi hoàn thành sẽ là nhà máy bền vững nhất thế giới về mặt thiết kế và xây dựng. Nhà máy được vận hành bởi các trang bị hiện đại, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo sự trung hòa về khí thải carbon.
Đại diện KCN VSIP III - Bình Dương cũng giới thiệu về trang trại năng lượng mặt trời với diện tích lên đến 50 ha của mình, có thể cung cấp điện cho các đối tác như LEGO. Chủ tịch VSIP Group - ông Kelvin Teo cho biết, VSIP III - Bình Dương là dấu mốc về cuộc cách mạng chiến lược phát triển bền vững, và sẽ là một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững tại Việt Nam.
KCN này tích hợp các công nghệ thông minh, hiện đại nhất trong các hoạt động như việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Với các thiết bị giám sát trong thời gian thực, KCN dễ dàng theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất từ ​​xa giúp tăng cường giám sát trực quan, giúp KCN  trở nên an toàn và hiệu quả hơn với nhà sản xuất và người lao động.
Trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh dần phổ biến… hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Đáng chú ý, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19, khi hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, trung hòa carbon… bản thân các doanh nghiệp cũng cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu, giúp họ tăng trưởng và củng cố năng lực sản xuất.
Gaw NP Capital vừa qua cũng đạt được thỏa thuận với Ngân hàng United Overseas Việt Nam nhằm hỗ trợ tài chính cho 2 dự án GNP Yên Bình 2 (Thái Nguyên) và GNP Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Đây sẽ là 2 khu vực mà Gaw NP Capital hướng đến phát triển các KCN xanh, công nghệ cao và đổi mới tại Việt Nam. Ngoài ra, Gaw NP Capital cũng hợp tác với Tập đoàn REE nhằm triển khai các tấm năng lượng mặt trời trên 90 ha diện tích mái của các dự án GNP tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch dành cho các nhà đầu tư tại KCN của mình.

Tác giả bài viết: Quốc Hùng

Nguồn tin: thesaigontimes.vn

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây