Cần xây dựng khung luật riêng để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, tự cường

05/12/2021
Dựa trên những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Luật Phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy nền công nghiệp hóa của Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp từ ngày 11/11/2021 - 11/12/2021.
luat cong nghiep 1
Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện tại, Việt Nam đang cần một khung pháp lý cũng như khung chính sách nhằm đáp ứng các vấn đề mới nổi của ngành công nghiệp như Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm giải trình, chuỗi giá trị minh bạch… Chính điều này thúc đẩy vai trò cần thiết của Luật Phát triển công nghiệp, nhằm hướng đến một nền công nghiệp tự chủ, tự cường, đồng thời hướng đến các mục tiêu phát triển đất nước vào năm 2030, và tiến đến 2045.

Cấp thiết triển khai để bắt kịp xu hướng

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công thương đánh giá công nghiệp Việt Nam chưa phát triển đúng yêu cầu công nghiệp hóa, chưa tận dụng được nguồn lực dân số vàng cũng như lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, dù đã có nhiều chủ trương chính sách phát triển công nghiệp được Đảng và Nhà nước thực hiện.
Đặc biệt là tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến và chế tạo trong tổng sản phẩm nội địa GDP chỉ 16,7%, còn rất thấp nếu so với mức trung bình 20 - 30% ở các nước công nghiệp. Nền công nghiệp chế biến, chế tạo còn phụ thuộc khá nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài FDI, đồng thời thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và nhóm FDI. Hầu hết nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu tư nước ngoài, trong khi khả năng tự sản xuất trong nội địa còn thấp.
Việt Nam cải thiện được năng lực cạnh tranh chủ yếu từ các chỉ số liên quan đến xuất khẩu, chưa phản ánh chính xác nội lực của ngành công nghiệp trong nước.
luat cong nghiep 2

Ngành sản xuất công nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ chính sách, chưa có căn cứ pháp lý cũng như giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các chính sách tài chính về thuế, vốn vay cũng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nền công nghiệp nói chung và ngành chế biến, chế tạo nói riêng.
Việc phát triển nội lực trong nước chưa nhận được sự đồng bộ trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương. Quản lý nhà nước về công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác tổ chức xây dựng chính sách, cũng như bố trí nguồn lực.
Việc tồn tại của những vấn đề trên nếu không được giải quyết triệt để, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ không thể cải thiện được năng lực cạnh tranh, chứ chưa nói đến khả năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, các ưu thế trong giai đoạn trước cũng sẽ không còn thích ứng và không thể tận dụng trong tương lai. Việt Nam rất khó để vươn lên nước công nghiệp, nước phát triển như mục tiêu, chưa kể nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, lợi thế lao động chi phí thấp và các ưu đãi sẽ mất dần sức hút, nếu các hạn chế về ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và phụ tùng chưa được khắc phục. Các doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam cũng sẽ theo quy luật dịch chuyển, một khi quốc gia khác có giá nhân công rẻ hơn.
Khi đó, Việt Nam sẽ đối diện với sự “lỡ nhịp” khi nền tảng công nghiệp chưa hình thành, lớn mạnh, nguy cơ công nghiệp hóa quá sớm do FDI rút khỏi Việt Nam, đẩy Việt Nam vào vị thế bất lợi trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhằm tránh lặp lại sai lầm của những lần trước, Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền công nghiệp. Phải đặt công nghiệp chế biến, chế tạo là trọng tâm của chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, hướng đến trình độ tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”. Để đạt được điều này, Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể là “tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, tỷ trong công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Trước đó, ngày 22/3/2018, Ban Chấp hành TƯ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra các mục tiêu về phát triển công nghiệp. Mới đây nhất, ngày 27/7/2021, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, lần đầu tiên mục tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP được đặt ra là “đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến đều rất cao so với thời điểm hiện tại. Và để đạt được điều đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới nhất thiết phải duy trì tăng trưởng bình quân trên 16%/năm. Trong khi đó bình quân của giai đoạn 2010 - 2020 chỉ duy trì ở mức trên 11%.
Nguồn lực cho tăng trưởng cũng là một thách thức không nhỏ. Với mục tiêu trên, ngành chế biến, chế tạo cần duy trì nguồn đầu tư toàn xã hội mỗi năm từ 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng. Riêng khu vực kinh tế Nhà nước cũng cần từ 60 - 90 nghìn tỷ đồng.
luat cong nghiep 3
Để công nghiệp tự chủ, tự cường: Cần có luật riêng - Ảnh 2
Hiện tại, ngành chế biến chế tạo ưu tiên phát triển chưa có luật riêng, trong khi các phân ngành công nghiệp khác đã có luật điều chỉnh riêng như Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí… Điều này dẫn đến thiếu khuôn khổ và hành lang pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ, cũng như tạo được sự đồng bộ trong việc quản lý, định hướng và phát triển từ Trung ương đến địa phương, kể cả cơ chế phối hợp giữ các bộ, ngành liên quan. 
Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện nay vấn đề cần thiết là xây dựng một đạo luật riêng với cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, không phải xây dựng một đạo luật nhằm quản lý và phát triển chung cho tất cả ngành công nghiệp.
Nghị quyết số 99/NQ ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025).
Theo dự thảo, Luật Phát triển công nghiệp có phạm vi điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành chế biến, chế tạo gồm: công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); công nghiệp cơ khí; công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Luật Phát triển công nghiệp khi được bàn hành được kỳ vọng tạo sự đồng bộ, tính liên kết cũng như phát huy tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tận dụng được tối đa nguồn lực phát triển, thúc đẩy thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tác giả bài viết: Mạnh Đức

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây