Khảo sát PCI - FDI 2021 được tổ chức thực hiện trên 22 tỉnh, thành phố có số lượng và mật độ doanh nghiệp FDI cao nhất tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp thống kê lên đến 1.200 doanh nghiệp FDI và từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Việt Nam.
Về môi trường kinh doanh, thang điểm được chấm từ 1 - 5 với điểm 5 là rất tốt, trong khi điểm 1 là rất kém. Môi trường kinh doanh sẽ được xem xét trên 11 lĩnh vực và được xác định theo Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bình Phước đã vươn lên xếp thứ 5 trong số các tỉnh thành có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam.
Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, nhưng tỉnh Bình Phước đã cho thấy quyết tâm trong việc chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh, hoàn thành “mục tiêu kép”. Ngoài việc cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến năng suất, chất lượng hiệu quả, tỉnh Bình Phước còn chủ động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh; triển khai mạnh mẽ các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm.
Nhờ các quyết tâm đó, Bình Phước đã có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam Bộ trong năm 2021 với ước đạt 6,32%. GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng, tăng 8,1% so với năm 2020. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước cũng tăng 18% so với năm 2020 và đạt 13.675 tỷ đồng.
Chất lượng môi trường kinh doanh và mức độ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương. Nguồn: PCI
Với các nỗ lực và quyết tâm cao độ, Bình Phước xếp vị trí thứ 3 về tiêu chí mức độ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương, sau Quảng Ninh và Phú Thọ, và cũng là tỉnh có Đồng Nam Bố có vị trí cao nhất, trên cả Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
Chính quyền tỉnh Bình Phước trong những năm nay không ngừng nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỉnh đã đưa vào sử dụng trung tâm điều hành thông minh IOC. Hiện, IOC Bình Phước đã kết nối, chia sẻ các hệ thống, gồm: Hệ thống điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; Hệ thống tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Bình Phước; Hệ thống EOC (các tổng đài 113, 115, 115); Hệ thống thống kê được nguồn lực của hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh; Hệ thống thông tin trong lĩnh vực y tế; Hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng; Hệ thống lắng nghe mạng xã hội; Hệ thống thông tin địa lý GIS hỗ trợ quản lý nguồn tài nguyên đất, hệ thống quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật trên toàn tỉnh một cách thống nhất; Hệ thống camera an ninh và giao thông.
IOC Bình Phước bảo đảm tính cập nhật thông tin, kết nối liên thông dữ liệu ở các hệ thống cốt lõi. Điển hình như Hệ thống điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội được kết nối tự động với Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, thực hiện tổng hợp thống kê số liệu của 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, cập nhật số liệu báo cáo hằng ngày, hằng tháng về tình hình thu/chi ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực y tế, hệ thống trên IOC Bình Phước đã kết nối cập nhật trực tiếp từ cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế thường xuyên (theo ngày, tháng), qua đó theo dõi được tình hình khám chữa bệnh theo cơ sở y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cũng như phân tích đánh giá hiệu suất của tình hình khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh,...
Trong lĩnh vực giáo dục, thông tin thống kê về nguồn lực của hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh, như: tổng số giáo viên, học sinh, trường học; tình hình thiếu phòng học, giáo viên;… được lấy tự động từ việc kết nối với phần mềm VnEdu đã được triển khai trên tất cả các trường trên địa bàn để tổng hợp về IOC Bình Phước.