Nhiều tín hiệu lạc quan đến với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022

21/02/2022
Đầu tư công hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối các khu công nghiệp đang là chìa khóa thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng nhu cầu thuê đất trong năm 2022.
Nhiều công ty chứng khoán đưa ra các kỳ vọng rất lớn về tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản công nghiệp trong năm 2022. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, các doanh nghiệp bất động sản đang nắm giữ quỹ đất khu công nghiệp còn được hưởng lợi từ nhu cầu và giá thuê đất dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới.
Cơ sở cho các dự báo trên đến từ các hợp đồng ghi nhớ (MOU) về thuê đất tại các khu công nghiệp đã ký trong năm 2021 sẽ tiếp tục hoàn thiện trong năm 2022, gián tiếp hồi phục thị trường sau đại dịch. Theo báo cáo mới nhất từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, số diện tích đã ký MOU tại Bình Dương đạt 250 ha. Trong khi đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đạt ở mức 200 ha.
Xem thêm: Khu công nghiệp Long An
Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh
Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh
Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đánh giá tích cực về quá trình hồi phục nhu cầu thuê đất, nhờ vào các khoản đầu tư công cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối các khu công nghiệp trong thời gian qua. Một số dự án tiêu biểu về hạ tầng được triển khai như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Phan Thiết - Dầu Giây, Cao tốc Bắc – Nam, cảng Thị Vải – Cái Mép, cảng Gemalink… sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu công nghiệp trong thời gian tới.
Công ty C&W Việt Nam thuộc Cushman & Wakefield - một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn trên thế giới cũng chia sẻ góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Đơn vị này ấn tượng về môi trường đầu tư Việt Nam thông qua tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, gia tăng các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý chiến lược. Các yếu tố này sẽ nâng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
C&W Việt Nam cho biết, với sự phát triển nhanh và mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, cùng làn sóng dịch chuyển đầu tư dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam.
Đứng trước cơ hội lớn, ngay từ những ngày đầu năm 2022, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam nhận được rất nhiều thông tin tích cực. Đáng kể nhất là việc mở rộng quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp được nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố. Nổi bật là Tổng công ty IDICO - CTCP (IDC) công bố kế hoạch hoàn thành việc giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong năm nay.
Đây là Khu công nghiệp mới với diện tích hoàn thành giải phóng mặt bằng lên đến 91%, tương đương với 150 ha. Đặc biệt khu công nghiệp đã hoàn thành tuyến đường kết nối trục chính với đường tỉnh 830. Ngoài ra, IDC cũng đã vận hành chính thức Nhà điều hành khu công nghiệp, sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư muốn tham khảo, tìm kiếm đất khu công nghiệp để xây dựng nhà máy cũng như triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 của IDICO
Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 của IDICO
Ngoài nhu cầu thuê đất tăng cao, giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đây là điều tất yếu khi giá đất khu công nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, và sẽ là điểm cộng cho các doanh nghiệp khi giá tăng trong tương lai.
Điển hình trong thời gian qua là Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) với diện tích đất cho thuê và giá thuê đều tăng ấn tượng, trở thành lực đẩy giúp lợi nhuận ròng của công ty tăng mạnh trong quý IV/2021.
Doanh thu giai đoạn trên của SZC tăng đến 108,9% so với cùng kỳ và chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất công nghiệp. Doanh nghiệp này cũng tăng trưởng biên lợi nhuận từ 24,1% lên 64%, nhờ vào Khu công nghiệp Châu Đức có mức tăng giá thuê 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, SZC cũng có lợi nhuận ròng quý IV/2021 đạt 68,1 tỷ đồng, tăng vượt bậc với mức 186,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cùng trong năm 2022, khi khung giá đất tại Bình Dương giai đoạn 2020 - 2024 bước vào mức áp dụng mới, tương ứng mức tăng 5%/năm, một số doanh nghiệp có nhiều đất khu công nghiệp tại đây sẽ được hưởng lợi. Trong số này đáng chú ý là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (BCM).
Theo các chuyên gia từ SSI, BCM có thể tiếp tục duy trì mức lợi nhuận trong năm 2022 cao hơn đến 43%, khi sở hữu 648 ha đất thương phẩm tại thành phố mới Bình Dương, cũng như các khu dân cư Bàu Bàng, Mỹ Phước.
Bên cạnh đó, BCM còn sở hữu diện tích sẵn sàng cho thuê lên đến 590 ha, cùng với nhiều dự án có sự liên doanh lớn như VSIP (BCM sở hữu 49% cổ phần) và Warburg Pincus (BCM sở hữu 30% cổ phần). Các dự án trên nhiều tín hiệu sẽ mang đến phần lợi nhuận đáng kể bởi nhu cầu thuê đất, thuê nhà xưởng đang dần hồi phục và tăng mạnh trong năm 2022.
Trong hai liên doanh trên mà BCM có sở hữu cổ phần, VSIP được xem là một doanh nghiệp nhiều tiềm năng phát triển về khu công nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là sự đầu tư đồng bộ ngay thời gian đầu giữa khu công nghiệp và khu dân cư. Điều này thể hiện qua doanh thu ổn định của công ty được duy trì trong suốt thời gian dài. Dự án VSIP 3 tại Bình Dương có thể bắt đầu cho thuê trong cuối năm 2022 sẽ giúp Liên doanh này gặt hái nhiều lợi nhuận trong tương lai, đặc biệt khi sở hữu quỹ đất lên đến 1.000 ha.
Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức
Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức
Trước một loạt các cơ sở đầy lạc quan trên, kết lúc phiên giao dịch năm Tân Sửu (28/1), nhóm cổ phiếu bất động sản dù có sự phân hóa nhưng các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ được màu xanh tăng trưởng, màu xanh của kỳ vọng.
Ở thời điểm hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP với mã BCM đang có thị giá cao nhất với 79.200 đồng. Theo sau là cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức với thị giá 77.200 đồng. Trong khi đó cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - CTCP đang có thị giá 62.000 đồng.
Theo thống kê năm 2021 từ SSI, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã tăng 62% so với năm 2020, tăng gần gấp đôi so với mức tăng bình quân 34% của VN-Index, đặc biệt là các mã cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tính riêng cả ba doanh nghiệp trên, BCM tăng chậm với 53%, trong khi SZC và IDC đều có mức tăng ấn tượng lần lượt là 106% và 125% trong năm 2021.

Tác giả bài viết: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn tin: bnews.vn

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây