Nhiều tín hiệu lạc quan với nhà đầu tư ngoại
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng thời điểm năm 2020. Riêng về kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, cùng tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm đến 16,8% và đạt 35,7 tỷ USD. So với cùng kỳ 2020, các sản phẩm này tăng trưởng 13%. Trong khi đó hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện cũng đạt 31,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch và tăng 15,8% so với cùng kỳ.Trong năm 2021, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã phát huy hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong 9 tháng đầu năm, các quốc gia đến từ EU đã đầu tư 2.242 dự án vào Việt Nam, tăng đến 164 dự án so với năm trước đó. Ngoài ra, tổng số vốn đầu tư đăng ký lên 22,24 tỷ USD, tăng 483 triệu USD so với 9 tháng đầu năm 2020.
Nổi bật nhất trong thời gian qua chính là thị trường dữ liệu, khi Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tăng trưởng hằng năm kép với tốc độ là 14,6% và chạm mốc 1,6 tỷ USD vào năm 2025. Theo Savills Việt Nam, cơ sở cho dự báo này đến từ sự tập trung đầu tư vào các giải pháp dữ liệu lớn, internet vạn vật và các giải pháp dựa trên đám mây. Đây cũng là những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nền tảng của bất kỳ nền kinh tế nào trên toàn cầu, đồng thời khi toàn cầu hóa đang trở nên mạnh mẽ hơn với sự phát triển của video trực tuyến, hội nghị truyền hình, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội.
Tình hình vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng đạt 11,83 tỷ USD. Trong đó có 402 dự án cấp mới, chiếm đến 53,42% tổng số vốn đầu tư và tăng 16,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá kỳ vọng vào lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Bằng chứng là tổng vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực sản xuất chế tạo tăng 16,45%. Tính riêng vốn FDI mới cho lĩnh vực sản xuất cũng tăng 16,15%.
Xem thêm: Vốn ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam
Theo Savills Việt Nam, Chính phủ đánh giá cao vai trò của nguồn vốn FDI trong việc phục hồi và phát triển kinh tế, cùng với đó là việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ngoại trước đây cũng như trong thời gian tới. Trong chuyến thăm nhà máy Samsung vào tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư FDI. Ngoài ra, Thủ tướng cũng gặp gỡ và cam kết với các nhà đầu tư Mỹ về việc khắc phục những khó khăn tạm thời do đại dịch trong thời gian vừa qua
Không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp. Với những điều đó, thị trường bất động sản công nghiệp thời gian tới sẽ nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ và sớm phát triển trở lại.
Đất công nghiệp và hậu cần tiếp tục là đầu tàu của thị trường
Dù ảnh hưởng khá lớn bởi dịch bệnh, một số khu công nghiệp mới vẫn được thành lập và nhiều dự án công nghiệp trọng điểm đã chính thức vận hành. Trong nửa đầu năm 2021, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập, tăng đến 19 khu công nghiệp so với nửa đầu năm 2020.Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp vẫn tăng dù dịch bệnh và duy trì được sự ổn định. So với giai đoạn 2018 - 2020, giá thuê bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng, mặc dù còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên vẫn có những nét son đáng ghi nhận bởi 2 tỉnh Hưng Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu có giá thuê tăng mạnh trong năm 2021.
Xem thêm: Các khu công nghiệp ở Bình Phước
Mặc dù dịch bệnh đã làm chậm các kế hoạch di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tuy nhiên các chuyên gia vẫn đánh giá hoạt động cho thuê sẽ tăng trưởng nhanh và hiệu quả hơn trong năm 2022. Ngoài ra, việc tăng nguồn cung mới trong thời gian tới cũng mang lại sự đa dạng cho thị trường, khách thuê và nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn khi các hạn chế được tháo gỡ.
Các chuyên gia Savills cũng đánh giá đất công nghiệp và hậu cần cũng sẽ phát triển mạnh trong năm 2022, bên cạnh sản phẩm kho xưởng xây sẵn. Ngoài ra, với nhu cầu tăng cao, trung tâm dữ liệu và kho lạnh cũng được dự báo nhiều cơ hội phát triển trong năm 2022. Đặc biệt, Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô siêu lớn.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, tin tức về gián đoạn sản xuất tại Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế biết đến. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đã chuyển dần sang các quốc gia khác do không còn nhiều ưu đãi tại Việt Nam. Ngoài ra, các ngành dệt may, nội thất đang thiếu lao động. Tuy nhiên các ngành công nghiệp giá trị cao vẫn nhiều hứa hẹn tăng trưởng trong dài hạn tại Việt Nam.
Việt Nam với các thế mạnh về sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cùng với xu thế di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển theo các chuỗi giá trị trong thời gian tới. Có thể kể ra như: Ngành công nghiệp 4.0 và sản xuất chế tạo thông minh hơn; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; hình thức bán - thuê lại tài sản; các mô hình khu công nghiệp mới và quy hoạch tổng thể hiện đại; trung tâm dữ liệu và kho lạnh.
Trong thời gian tới, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin cao, đặc biệt là lực lượng lao động tham gia sản xuất, các chuyến bay quốc tế tăng cao tầng suất hơn nữa, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm 2022 hứa hẹn sẽ có nhiều thành công.