Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (
VCCI) đã tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế”. Các điểm mới của dự thảo được các doanh nghiệp tham gia buổi hội thảo đánh giá rõ ràng, đẩy đủ hơn liên quan đến việc thành lập, điều chỉnh các khu công nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng góp ý về một số điểm chưa phù hợp, cần làm rõ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP để làm mới các KCN
Quy định giới hạn diện tích và tỷ lệ lấp đầy cần điều chỉnh
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An cho biết, dự thảo và Luật Đầu tư đang vênh nhau về quy định về giới hạn diện tích của mỗi giai đoạn. Cụ thể dự thảo quy định giới hạn “không quá 500 ha” nhưng Luật Đầu tư không giới hạn diện tích của từng giai đoạn và áp dụng trên tất cả dự án đầu tư.
Ngoài ra, Luật Đầu tư cũng không đưa giới hạn diện tích khu công nghiệp vào bất kỳ danh mục nào về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong khi thực tế nhu cầu thuê đất với quy mô lớn ngày càng nhiều. Ví dụ khu công nghiệp hiện được Tập đoàn Samsung đầu tư tại Bắc Giang và Thái Nguyên đều có diện tích hơn 500 ha.
Tại Indonesia, Bà Liên cho biết đã lập khu công nghiệp quy mô đến 4.000 ha trong năm 2020 để đón đầu làn sóng công ty Mỹ di dời xưởng sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong khi đó tại Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ khu công nghiệp nào sở hữu quy mô tương tự, nhằm cạnh tranh với các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định “Điều kiện xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Đây là điểm bất cập và chưa thể khả thi trong tình hình hiện tại, vì Việt Nam chưa có quy hoạch vùng, cũng như quy hoạch tỉnh trong phạm vi địa phương.
"Dự thảo cần tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp có quy mô diện tích đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xây dựng khu liên hợp sản xuất có diện tích từ 1.000 ha trở lên".
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An |
Ông Phạm Hồng Điệp, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, lại nhìn nhận dự án dưới góc nhìn hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng khi triển khai các dự án khu công nghiệp mới. Dự thảo quy định về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển hạ tầng
khu công nghiệp mới là tổng diện tích
đất khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%. Quy định này vô tình cản trở các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trên địa bàn.
Theo ông Diệp, cần có những khuyến khích để phát triển khu công nghiệp, mở cửa chào đón các đơn vị phát triển hạ tầng khu công nghiệp có năng lực. Chỉ có các đơn vị đủ năng lực mới có thể triển khai nhiều dự án khu công nghiệp cùng lúc. Chính vì vậy áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% là không hợp lý.
Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Ohdear Vietnam JSC cũng đồng tình với quan điểm trên, và cho rằng tỷ lệ lấp đầy 60% không phù hợp để thu hút FDI hay “dọn tổ cho đại bàng”. Chưa kể việc áp dụng trong phạm vi tỉnh lại đòi hỏi một khu chuyên ngành nữa.
Điều này vô tình yêu cầu năng lực xúc tiến thương mại của khu công nghiệp trong địa bản tỉnh. Và chắc chắn sẽ xảy ra cạnh tranh không đáng có. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy 60% vô tình khiến chủ đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp không còn hứng thú. Ông An kiến nghị bỏ hoặc giảm tỷ lệ lấp đầy xuống dưới 50% nhằm tập trung thu hút tối đa FDI.
Ông Đỗ Quốc Dũng, Trưởng ban Phát triển dự án Công ty CP đầu tư phát triển TNI Holding Việt Nam, cũng cho rằng tỷ lệ lấp đầy cũng sẽ ảnh hưởng đối với các dự án khu công nghiệp sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu, khoa học công nghệ. Ông Dũng khuyến nghị không áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% với các mô hình khu công nghiệp trên, cũng như cần xem xét lại tỷ lệ lấp đầy yêu cầu 60% của khu công nghiệp khi mở rộng chính các dự án khu công nghiệp này.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính và bổ sung cơ chế ưu đãi
Các quy định về thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý xây dựng các khu công nghiệp cũng được giới đầu tư khu công nghiệp quan tâm. Theo ông Điệp, hiện tại để chủ đầu tư được cấp phép cần phải chờ đợi trung bình 24 tháng, có dự án mất thời gian lên đến 36 tháng. Thời gian chờ đợi như hiện tại là quá dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư, lỡ mất nhiều cơ hội quảng bá và
thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông Điệp đề xuất cần cắt giảm bớt thủ tục hành trình trong phát triển và mở rộng các khu công nghiệp bằng những biện pháp và chính sách hiệu quả hơn. Đặc biệt các dự án của các chủ đầu tư có uy tín và đã chứng minh được năng lực trong thực tế đầu tư.
* Ảnh minh họa khu công nghiệp sinh thái
Đồng thời, dự thảo cũng cần bổ sung các phương án ủy quyền và phân cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa vào quy mô, tính chất của từng dự án, để xem xét, quyết định đối với từng dự án, nhằm rút ngắn thời gian triển khai và hợp thức hóa các thủ tục.
Chia sẻ câu chuyện về vấn đề này, ông An cho biết một Văn phòng luật sư tại TP.HCM có khách hàng là
các khu công nghiệp nhận được 5 email của khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong vòng 1 tuần. Trong đó có đến 3 email yêu cầu tìm hiểu thủ tục rút nhà máy tại Việt Nam, trong khi 2 email là tìm thủ tục chấm dứt hợp đồng thuê đất.
"Một tạp chí uy tín tại Nhật Bản Nikei Asia đã xếp hạng Việt Nam đứng cuối bảng (121/121) về chỉ số phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Vậy nên, nếu chúng ta không có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy dòng vốn FDI thì sẽ khó giữ chân, chưa nói rằng có thể thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài khác lựa chọn Việt Nam là điểm đến".
Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Ohdear Vietnam JSC |
Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đòi hỏi Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn, góp phần tinh giản thủ tục đầu tư. "Nghị định 82 cần sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, mạnh mẽ hơn nhằm thu hút nhà đầu tư”, ông An khuyến nghị.
Xem thêm: Đầu tư Bình Phước - Lựa chọn hoàn hảo cho nhà đầu tư
Ngoài ra, những nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội dành cho người lao động, quy định về môi trường… Nhưng vấn đề thời gian thực hiện các thủ tục hành chính lại là vấn đề họ lo ngại nhất khi xúc tiến.
Vì vậy, ông An cho rằng, cần tạo nên một đầu mối hỗ trợ cấp phép và phê duyệt các dự án. Và Ban quản lý dự án các tỉnh cần là đầu mối tích cực nhất. Khi Ban quản lý có đủ cơ chế, chính sách và thẩm quyền thực chất, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải tốn nhiều thời gian đi lại cũng như chi phí ban đầu, tạo thiện cảm tốt hơn.
Nghị định 82 sửa đổi cũng là lần đầu tiên Việt Nam có định nghĩa rõ ràng về khu công nghiệp sinh thái. Chính điều này ông Điệp cũng bổ sung cần những ưu đãi về cơ chế chính sách, thủ tục cũng như các
ưu đãi đầu tư nhằm phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Điều này sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư và nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong chuyển đổi, cũng như phát triển các
khu công nghiệp xanh, sản phẩm xanh.