Thuộc khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương trở thành hình mẫu về thu hút đầu tư cũng như tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Kể từ năm 1997, năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã đề ra mục tiêu xây dựng hình ảnh là trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Với những kết quả đạt được, Bình Dương xác định nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có vai trò then chốt bên cạnh các yếu tố khác về công nghệ và hạ tầng, để nâng cao vị thế của tỉnh, phát triển hơn nữa và là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Dây chuyền sản xuất yên xe đạp xuất khẩu tại Công ty Pro Active Global Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Đại Năng, Bình Dương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Xuất phát điểm thấp với hình ảnh thuần nông, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nhiều lợi thế, Bình Dương đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ lao động từ mọi miền đất nước, góp sức xây dựng đưa Bình Dương trở thành tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế được quyết định bởi nhân lực
Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều chính sách thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh về một nơi tụ hội nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến đóng góp cho thị trường lao động tỉnh, góp phần trẻ hóa và dồi dào số lượng về nguồn nhân lực. Điều này sẽ tạo nên cơ hội và tiền đề để Bình Dương xây dựng nền kinh tế phát triển.
Ở thời điểm hiện tại,
Bình Dương đã phát triển được 41 khu cụm công nghiệp, thu hút gần 42.300 doanh nghiệp trong nước và trên 3.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng lao động trên toàn tỉnh lên đến trên 1,3 triệu người, với tỷ trọng nhân sự từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 85%. Thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước và đạt 152 triệu đồng/người/năm.
Phó giáo sư Phạm Ngọc Trâm, Giám đốc Viện Phát triển Chiến lược (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho rằng Bình Dương đang có những chính sách hợp lý, đồng bộ nhiều giải pháp trong việc phát triển nguồn nhân lực. Phó giáo sư cũng đánh giá cao những chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Bình Dương, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực được coi là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước.
Song song với việc thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư, cấp ủy và chính quyền Bình Dương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Trong năm tái lập tỉnh 1997, dân số tỉnh Bình Dương vào khoảng 679.000 người. Và để đảm bảo có đủ lực lượng lao động dành cho phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa bàn khác đến định cư và làm việc tại các khu công nghiệp.
Điểm nổi bật nhất chính là người dân tham giao lao động được hỗ trợ đầy đủ chính sách về các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm… Đặc biệt là không có sự phân biết giữa người dân trong tỉnh, có hộ khẩu với người nhập cư chưa có hộ khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều chương trình, đề án thu hút, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động đã được triển khai. Một số chương trình có thể kể ra như chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020; Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, đến năm 2025.
>> Xem thêm: Bình Dương đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Bộ
Trên địa bàn tỉnh hiện có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động với khoảng 30.000 học viên các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Sau đào tạo, đây sẽ là nòng cốt góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại địa phương lên mức 80,5%, và khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.
Lao động tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)
Đề án Thành phố thông minh cũng được xây dựng để Bình Dương trở thành một tỉnh đi đầu của cả nước có khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu về thu hút, đào tạo và phát triển, “giữ chân” các nhân tài khoa học kỹ thuật, tạo đòn bẩy trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
Các trung tâm thực nghiệm, các không gian sáng tạo, tạo điều kiện phát triển các ý tưởng sáng tạo mới cũng được chú trọng xây dựng nằm phát hiện và bồi dưỡng lực lượng lao động tài năng, chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương.
Dưới góc độ đại diện của một đơn vị đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Đức - Tiến sĩ Hà Thúc Viện chia sẻ, khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu đã được Trường Đại học Việt-Đức đào tạo trong suốt thời gian qua. Trường cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh Bình Dương với 2 nhóm: đào tạo sinh viên trình độ đại học và thạc sĩ; đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nhân lực khu vực doanh nghiệp của tỉnh.
Trường Đại học Việt-Đức cũng chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc đổi mới trang thiết bị dạy và học, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực đạt chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương, cũng như cung ứng cho các tỉnh, thành, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, Bình Dương luôn giữ vững quan điểm giáo dục và đào tạo là nền tảng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong hành trình phát triển của tỉnh Bình Dương.
Theo thống kê mới nhất, Bình Dương có 8 trường đại học, gần 70 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và nhiều trung tâm ngoại ngữ-tin học, không chỉ cung cấp nhân lực chất lượng cao cho tỉnh mà còn sẵn sàng cung ứng cho các địa phương lân cận. Trong 3 năm trở lại đây, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bình Dương luôn đạt mức cao.
Ngoài ra, kết quả đối sánh do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy sự chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của tỉnh Bình Dương so với điểm trung bình chung các môn học của học sinh nằm trong top các địa phương có khoảng chênh lệch thấp nhất cả nước. Điều này cho thấy phương châm “Dạy thật, học thật, chất lượng thật” tại Bình Dương đã chứng minh sự hiệu quả, đóng góp rất nhiều nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước.
Vẫn có rất nhiều thách thức cần vượt qua
Mặc dù đã đạt được rất nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian vừa qua, song Bình Dương cần phải chinh phục nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi các giải pháp phù hợp để tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước.
Theo phân tích của Giáo sư Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để Bình Dương tiếp tục phát triển cần tìm ra và khai phá những nguồn lực, phương thức tăng trưởng mới, nâng cao năng suất cũng như tận dụng tối đa dư địa nhằm duy trì đà tăng trưởng rất cao như thời gian qua.
Theo đó, phát triển kinh tế số sẽ là một trong những nguồn lực tăng trưởng mới, dư địa mới mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời cũng là xu thế chính của thời đại. Con người chính là yếu tố quan trọng hàng đầu, vì vậy cần phải đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao, có thể học hỏi, tìm hiểu, sẵn sàng áp dụng những kỹ năng, công nghệ mới nhằm giải quyết bài toán về dữ liệu, với tư cách là “đầu vào” của quá trình sản xuất, của phương thức sản xuất kinh tế số.
Cùng quan tâm đến tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao ở Bình Dương, tiến sĩ Trần Minh Đức, Trường Đại học Thủ Dầu Một nêu lên thực trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao tại Bình Dương.
Theo khảo sát, Bình Dương hiện có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động được đào tạo đúng ngành nghề. Thậm chí đến 90% doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong tuyển dụng lao động có trình độ cao, nhất là sau quá trình nâng cấp công nghệ và đầu tư rất nhiều vốn sản xuất kinh doanh.
Một yếu tố khác mà các doanh nghiệp phản ánh về chất lượng đào tạo của các lao động còn “bị lệch” so với nhu cầu doanh nghiệp đang cần. Ngoài ra, một số kỹ năng được đào tạo của người lao động lại không phù hợp và hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An (Bình Dương). (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Theo tiến sĩ Trần Minh Đức, các khảo sát trong khu vực doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Bình Dương cho thấy đội ngũ lao động có tay nghề cao có xu hướng tăng cao qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên tốc độ chuyển biến diễn ra chậm và thiếu so với nhu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, nhất là khi yêu cầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cấp vị thế của tỉnh công nghiệp Bình Dương trong chuỗi giá trị đó đang ngày một cấp thiết hơn.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Quang, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cộng sự cũng đánh giá, lực lượng lao động tại Bình Dương trong các ngành kinh tế rõ ràng có sự tăng trưởng về số lượng, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Các doanh nghiệp đã nhận định tích cực về chất lượng lao động, đào tạo nghề cũng có nhiều chuyển biến tích cực theo nhu cầu của thị trường doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như quản lý lãnh đạo, kế toán, quản lý và cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, chi phí đào tạo lại cũng như đào tạo lao động còn cao, chưa kể tình trạng lao động “nhảy việc” sau khi được đào tạo cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan ngại thời gian qua.
Một vấn đề khác về lực lượng lao động của Bình Dương chính là cán cân cơ cấu việc làm ở Bình Dương giữa nhóm nhà lãnh đạo và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm tỷ lệ thấp và khá thấp. Dựa trên thống kê các năm 2016-2020, nhóm lãnh đạo chiếm 0,9%, trong khi nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ chiếm vỏn vẹn 0,78%. Trong khi đó lực lượng lao động cơ bản gồm nhóm dịch vụ cá nhân, bảo vệ, thợ thủ công, thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị chiếm trên 90%.
Dựa trên cơ cấu và tỷ lệ lao động, có thể thấy Bình Dương dù là tỉnh công nghiệp hóa điển hình của cả nước, tuy nhiên nền kinh tế vẫn chủ yếu là sản xuất thâm dụng lao động, chưa có ngành kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Đây chính là thách thức lớn, đòi hỏi Bình Dương cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh.