Tổ chức buổi hội thảo là các cơ quan hàng đầu trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc như: Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM. Đặc biệt buổi hội thảo được tổ chức trực tuyến với gần 200 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự.

Đại diện Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – ông Vũ Bá Phúc phát biểu tại Hội thảo: Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang có diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 lần này. Các ca bệnh xuất hiện liên tục với một loạt các chùm ca bệnh tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên các địa phương rất tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý khu công nghiệp và nhà đầu tư, nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Các xí nghiệp, nhà máy đã bố trí công nhân cách ly tại nơi làm việc hoặc đưa đón an toàn, nhằm kiểm soát không để lây nhiễm từ cộng đồng xâm nhập vào khu công nghiệp, nhà máy. Chính phú cũng triển khai các giải pháp chống dịch mạnh mẽ với phương châm, vừa phòng dịch, đảm bảo sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo
Tỉnh Vĩnh Phúc và TPHCM là 2 địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh và đã có quá trình phòng chống tích cực cũng tham gia buổi Hội thảo với đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM.

>> Xem thêm: Đầu tư Bình Phước - Sự lựa chọn hoàn hảo cho nhà đầu tư 

Tỉnh Vĩnh Phúc bùng phát dịch từ ngày 02/5/2021 với ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt với các phương án chống dịch hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu, Chính quyền địa phương đã tiến hành lập một loạt các chốt phòng dịch tại các trục giao thông cửa ngõ ra vào tỉnh, nhằm hạn chế tối đa người dân di chuyển, và lây lan dịch bệnh. Sau khi tình hình đã ổn định, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục áp dụng các phương pháp thích ứng mới như đường dây nóng, chương trình đưa đón, hướng dẫn người lao động theo các quy định của Chính Phủ và Bộ Y tế.
Về phía TPHCM, đây cũng là tâm điểm dịch bệnh tại phía Nam Việt Nam hiện nay. Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố coi chống dịch, đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Với quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép”, thành phố đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực và giải pháp như: Tiêm vắc-xin cho người lao động, thủ tục thông thoáng, ưu đãi miễn giảm thuế…

Tình hình đầu tư FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

Ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc vẫn là quốc gia số 1 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 9.100 dự án và tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 72 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư Hàn Quốc tăng 43.6%, trong khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ước tính giảm 2,5%.  
Việt Nam cũng đạt kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Và nếu so với tốc độ tăng trưởng 2,91% của năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 với tốc độ tăng trưởng 5,64%. Tất cả cho thấy một bức tranh tổng thể về tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư.
Tuy nhiên, với đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu vào cuối tháng 4/2021, đà tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Dịch bệnh Covid 19 khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam gặp tác động tiêu cực. Ca nhiễm trong ngày lên cao nhất là 9.000 ca, đồng thời nhiều yếu tố gây khó khăn như nguồn lao động, nguyên vật liệu và chi phí hậu cần tăng. Ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội hy vọng các biện pháp từ Chính phủ có thể giúp kiểm soát dịch bệnh, người lao động được tiêm chủng nhanh chóng, cuộc sống sinh hoạt sớm trở lại bình thường và các hoạt động kinh tế được phục hồi mạnh mẽ.

Cách thức vượt qua đại dịch Covid-19

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y Tế) – ông Hoàng Văn Ngọc cho biết: Để đối phó với tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh thành phía Nam, Hà Nội cũng như một số địa phương nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời Bộ Y tế cũng triển khai nhanh công tác truy vết, xác định nguồn lây nhiễm. Tính từ 29/4/2021 đến ngày 02/8/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR với 18.303.458 lượt người, chưa kể các trường hợp test nhanh.
Các bệnh viện dã chiến liên tục được xây dựng, cùng với xây dựng các phương án chữa trị thu dung cũng được xem xét nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Ngoài ra, các trung tâm điều trị chuyên sâu cũng được tăng cường nhằm giảm tối đa số trường hợp tử vong. Song song với đó là các chiến dịch tiêm vắc xin chưa từng có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 02/8/2021, đã có 6.959.197 liều vắc xin đã được tiêm. Trong đó đối tượng tuyến đầu, vùng có dịch được ưu tiên hàng đầu với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Không những vậy, Bộ Y tế cũng ký kết và khai thông mọi nguồn vắc xin nhằm tăng nhanh nhất có thể số lượng vắc xin chuyển về Việt Nam thời gian tới.
Hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Tiến sĩ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ông đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam đồng thời đưa ra các khuyến nghị, giải pháp giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc duy trì hệ thống sản xuất an toàn tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính quyền Trung ương, Bộ Y tế và các địa phương Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Về vấn đề đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tình hình dịch bệnh dành cho các nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc cũng được đặt ra tại buổi Hội thảo. Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ đây là những đối tượng được ưu tiên nhập cảnh. Đồng thời để tạo điều kiện tối đa, đại diện Bộ Y tế Việt nam cũng chính thức thông báo giảm thời gian cách ly từ ngày 4/8/2021 đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã từng khỏi bệnh do mắc Covid-19.
Theo đó, người nhập cảnh đủ điều kiện trên và các điều kiện khác theo quy định chỉ cách ly y tế tập trung 7 ngày và theo dõi y tế tiếp tục tại nhà trong 7 ngày. Ngoài ra, các vấn đề khác về thành lập doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư, thông tin thị trường… cũng được đại diện các địa phương, chuyên gia luật, tư vấn của Việt Nam và Hàn Quốc trả lời chi tiết, cụ thể.
Buổi Hội thảo trực tuyến đã thành công tốt đẹp. Ngoài việc giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận những chính sách mới và trao đổi trực tiếp với chính quyền các địa phương Việt Nam, đây còn là cơ hội để các công ty, nhà đầu tư Hàn Quốc hiện tại có thêm phương án để thực hiện các kế hoạch kinh doanh, sản xuất trong thời gian dịch bệnh Covid tại Việt Nam. 
Tác giả bài viết: MOIT
Nguồn tin: MOIT