Định hướng Đông Nam Bộ là trung tâm phát triển năng động

17/12/2021
Với định hướng trở thành trung tâm phát triển năng động, khu vực Đông Nam Bộ sẽ trở thành khu vực kinh tế hàng đầu của cả nước, góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trung tâm công nghệ và công xưởng chế tạo của khu vực cùng cả nước. Đặc biệt, TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính, tiếp tục là động lực tăng trưởng của Vùng trong thời gian tới.
n3 tin tức Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến đô thị thông minh lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ 4
Vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành một trung tâm công nghệ, tài chính, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kết hợp với các tỉnh Đông Nam Bộ tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, đồng thời thống nhất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền cho biết thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ nhấn mạnh phát triển công nghiệp, song song với phát triển đất cho công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên để thực hiện quy hoạch đầy đủ, đồng bộ, tỉnh Bình Phước gặp khó khăn rất lớn trong việc lập quy hoạch, đồng thời thiếu phương án phân bổ đất từ Trung ương, đặc biệt là quy hoạch đất để phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Với vị thế đặc biệt trong phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước mong muốn sớm nhận được chỉ tiêu đất đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt đất dành cho phát triển công nghiệp từ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico
Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico Bình Phước.
Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, với vai trò đầu tàu của khu vực, thành phố cần nhiều thời gian để thực hiện lập quy hoạch một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng. Thành phố cần xem xét toàn diện mọi chỉ tiêu kinh tế - xã hội để đưa ra được chính xác các định hướng phát triển của địa phương, của các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với điều kiện hiện tại, đồng thời đưa ra được các kịch bản tăng trưởng, khả năng xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, Thành phố cũng vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, chính vì thế công tác quy hoạch đang chậm tiến độ so với tình hình chung của các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ.
Về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, bà Trần Thị Giang Hương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Bộ đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của từng địa phương, sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên chỉ tiêu phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội thực tế rất hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng tự nhiên) sang đất phi nông nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế xã hội cần một kế hoạch rất cụ thể, tránh quá lệ thuộc vào việc chuyển đổi đất từ đất nông nghiệp. Vì đây là một thách thức rất lớn dựa trên phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Bộ TN&MT đang cố gắng cân đối thật sớm, đồng thời phân bổ hợp lý để đề xuất Thủ tướng trong thời gian ngắn nhất, giúp các địa phương kịp thời đẩy nhanh thực hiện quy hoạch tỉnh trong tương lai.
Viện Chiến lược phát triển cũng đang hoàn thiện Dự thảo Báo cáo các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Dự thảo trên, vùng Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất khu vực ASEAN, dẫn đầu cả nước về khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Khu vực này sẽ tham gia như một thành phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước. TPHCM sẽ phát huy tối đa vai trò đầu tàu của Vùng, tiếp tục là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngoài các động lực trên, Vùng cũng cần tập trung khai thác tối đa các điểm nhấn, đột phá như khu vực sân bay Long Thành và TP. Long Thành; trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế; trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM… Theo sau đó là phát triển các tiểu vùng như tiểu vùng công nghiệp (Đồng Nai, Bình Dương); tiểu vùng ven biển (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đánh giá cao các địa phương đã tổ chức lập quy hoạch và đạt được những kết quả bước đầu, đáp ứng được tiến độ. Riêng Bình Dương và Đồng Nai cần khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn, tiến đến lập quy hoạch tỉnh kịp tiến độ chung. Với TP.HCM, Bộ yêu cầu gấp rút, đẩy nhanh và chỉ đạo quyết liệt tiến độ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch để trình thẩm định trong tháng 12/2021.
Hiện tại, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cần phải đẩy nhanh tiến độ của Bộ KH&ĐT. Song song với đó, định hướng phát triển quốc gia và khung định hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được Bộ dần hoàn thiện để gửi các Bộ, ngành, địa phương tham khảo, đồng thời có được quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh đồng bộ với định hướng chung.

Tác giả bài viết: Trần Kiên

Nguồn tin: Báo Đấu Thầu

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây