Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý với tỉnh Bình Dương và ý kiến đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bình Phước, TP HCM về việc giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, góp phần kết nối và đảm bảo lưu thông huyết mạch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bình Dương với Bình Phước và với vùng Tây Nguyên.
Với quyết định này, UBND tỉnh Bình Dương sẽ thay thế vai trò của UBND tỉnh Bình Phước, vốn trước đó được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc này.
UBND tỉnh Bình Dương được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được quy hoạch với chiều dài 69 km với điểm đầu tại Chơn Thành (Bình Phước), trong khi điểm cuối là Nút giao Gò Dưa (Vành đai 2, TP HCM). Công trình sẽ tạo nên động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là 3 tỉnh, thành Bình Phước, Bình Dương và TP HCM.Sau khi hoàn thiện, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ có quy mô 6 làn đường khép kín, đồng thời có 4 làn xe đô thị ở hai bên chạy song song. Ở giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (TP HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m. Ở giai đoạn sau, dự án sẽ đầu tư phần còn lại với nền đường rộng 17 m và quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư sẽ vào khoảng hơn 24.000 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), khởi công từ 2021 - 2025 và dự kiến hoàn thành sau năm 2025.