Theo Công văn này, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung vào 25 nền tảng số bao gồm: 15 nền tảng số phục vụ chính quyền, 4 nền tảng số phục vụ doanh nghiệp, 6 nền tảng số phục vụ người dân.
Trong đó 15 nền tảng số phục vụ chính quyền bao gồm: Điện toán đám mây; tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP),
Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); Trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; bản đồ số; trợ lý ảo; họp trực tuyến thế hệ mới; nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs); khảo sát, thu thập ý kiến người dân; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu về đất đai; cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội; hóa đơn điện tử.
Nhóm 4 nền tảng số phục vụ doanh nghiệp gồm: Quản trị doanh nghiệp; kế toán dịch vụ;
an toàn, an ninh mạng; quản lý đào tạo nhân sự trực tuyến. Và nhóm 6 nền tảng số phục vụ người dân gồm: Sàn thương mại điện tử Voso.vn; sàn thương mại điện tử Postmart.vn; xem truyền hình trực tuyến chính thức VTVGo; ứng dụng Bình Phước Today; Cổng Dịch vụ công Bình Phước; Cổng dịch vụ Công quốc gia.
UBND tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung triển khai và đưa vào ứng dụng các nền tảng phục vụ chính quyền số, dựa trên danh mục các nền tảng số tập trung sử dụng trên địa bàn tỉnh năm 2022. Song song đó, các cơ quan và ban, ngành cũng chủ động trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia do bộ, ngành chủ quản phát triển.
>> Xem thêm: Bình Phước xây dựng nền kinh tế số đến năm 2025
Các cơ quan và ban, ngành cũng cần ưu tiên và bố trí nguồn nhân lực phù hợp, nhằm triển khai và sử dụng có hiệu quả các nền tảng số dùng chung của tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông một cách chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, định hướng để các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý cũng cần được thực hiện sâu rộng, tạo đầu vào cho các nền tảng số cần tập trung phát triển trên địa bàn tỉnh năm 2022. Các cơ quan và ban, ngành cũng cần phổ cập các nền tảng chuyển đổi số thuộc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số tại địa chỉ: https://smedx.mic.gov.vn.
Định kỳ hằng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông phải thực hiện đo lường, đánh giá mức độ sử dụng các nền tảng số đã được lựa chọn. Cùng phối hợp và đóng vai trò chủ trì với các sở, ngành, địa phương nhằm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần phối hợp với các doanh nghiệp nòng cốt, cơ quan chủ quản các nền tảng số quốc gia, các cơ quan đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông, để hướng dẫn, đôn đốc và theo dõi quá trình triển khai, sử dụng các nền tảng số dùng chung tại các sở, ngành địa phương. Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông phải có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, tổ chức đào tạo tập huấn các nền tảng số đã được lựa chọn cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.
Các nền tảng phục vụ chính quyền số cũng cần tập trung triển khai và sử dụng tại UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, dựa trên danh mục các nền tảng số tập trung sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2022. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng các nền tảng số cũng phải được các Tổ công nghệ số thực hiện sâu rộng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Bình Phước cũng cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.