Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNHT là giải pháp trọng yếu
Vào đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án
phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án).
Mục tiêu phát triển cụ thể của đề án chính là: Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNHT đạt 1 tỷ USD, tương đương 20% giá trị đóng góp của CNHT trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (5 tỷ USD).
Theo đó, sản lượng sản phẩm CNHT hằng năm trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế từ 35% đến 40% sản lượng nhập khẩu CNHT với cùng yêu cầu chất lượng. Sản phẩm CNHT tỉnh Bình Phước phải đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và cạnh tranh của các doanh nghiệp, không chỉ trong tỉnh mà còn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Và mục tiêu dài hạn là đến năm 2030, sản lượng sản phẩm CNHT hàng năm của Bình Phước có thể thay thế từ 50% đến 60% sản lượng xuất khẩu CNHT với cùng yêu cầu chất lượng. Ưu tiên phát triển các phân ngành CNHT theo thứ tự: Điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may; da giày; cơ khí chế tạo; sản phẩm CNHT cho
công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, đề án cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển CNHT tỉnh Bình Phước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNHT là trọng tâm và phải được đề cao thông qua các chương trình thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và
ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, Bình Phước cần xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội như trường học, thiết chế văn hóa, hệ thống thương mại, nhà ở, chung cư... để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến và làm việc tại đây. Điều này sẽ gián tiếp giúp Bình Phước nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh trong khu vực.
Bình Phước cũng cần hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tận dụng lợi thế của các
khu công nghiệp, cụm công nghiệp với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực.
Ngoài ra, Bình Phước cũng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm CNHT theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn nêu trên. Ưu tiên nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT; tận dụng tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho CNHT khi phát triển thêm sản phẩm mới và thêm thị trường mới.
Cần xây dựng kế hoạch
xúc tiến đầu tư cụ thể cho từng nhóm sản phẩm CNHT, vào từng thị trường và vào từng nhóm nhà đầu tư cụ thể. Trong đó, việc đầu tiên là tiếp xúc và kêu gọi những tập đoàn và doanh nghiệp lớn trên địa bàn và có nhà máy sản xuất CNHT, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư các nhà máy sản xuất mới với nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm CNHT.
>> Xem thêm: Đầu tư Bình Phước - Sự lựa chọn hoàn hảo cho nhà đầu tư
Đồng thời, tỉnh Bình Phước cũng cần phát triển nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trong việc tiếp cận tín dụng nhằm phát triển nhiều sản phẩm CNHT phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh.
Cuối cùng, Bình Phước cần hoàn thiện
cơ sở hạ tầng giao thông, tạo hành lang kết nối với các địa phương khác, đồng thời nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận đặt hàng và nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm CNHT.