Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ về dự án xây dựng cầu Mã Đà bắc qua sông Mã Đã, thông qua buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua trên địa bàn. Dự án này sẽ tăng cường nối kết giữa Bình Phước và Đồng Nai trong tương lai.
Bình Phước đã "thay da đổi thịt" sau 25 năm tái lập tỉnh.

Kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ

Theo UBND tỉnh Bình Phước cho biết, cầu Mã Đà có vai trò rất quan trọng, giúp rút ngắn hơn 60 km lộ trình từ các tỉnh Tây Nguyên với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải… so với lộ trình hiện tại.
Ngoài ra, cầu Mã Đà cũng nằm trên lộ trình kết nối từ cảng Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quốc lộ 51, đường tỉnh 761, đường tỉnh 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua nước bạn Campuchia ra vịnh Thái Lan. Đây sẽ là lộ trình trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, phục vụ nhu cầu hội nhập và giao thương kinh tế quốc tế của khu vực. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng có vị thế thuận lợi hơn rất nhiều trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo đề xuất, dự án cầu Mã Đà sẽ có chiều rộng mặt cầu 11 m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Song song là dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng đường tỉnh 753 với chiều dài 30 km, quy mô cấp III với tổng vốn đầu tư là 655 tỷ đồng. Cả 2 dự án sẽ sử dụng ngân sách tỉnh Bình Phước và đã được UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương vào tháng 7/2021.
 

Vị trí xây dựng cầu Mã Đà theo dự kiến

Theo quy hoạch mạng lưới giao thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9/2021, đường tỉnh 753 được quy hoạch và cải tạo thành quốc lộ 13C, kéo dài từ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Trước đây, tỉnh Bình Phước từng có ý định nâng cấp đường tỉnh 753 và xây cầu Mã Đà với tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên dự án phải dừng lại vì thiếu sự chấp thuận của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh này cũng ngăn đường và cấm hoạt động phà qua lại khúc sông trên vì lý do ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Đồng thời tỉnh Đồng Nai cũng nêu quan điểm về việc bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, lá phổi của Miền Đông Nam bộ này.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước vào ngày 20/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp nhận báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Phước về hướng tuyến dự án đường bộ từ thành phố Đồng Xoài qua Đồng Nai, kết nối với các công trình hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đông Nam bộ, như: đường Vành đai 4 TP.HCM, cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành,...
Đặc biệt với kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Mã Đà của chính quyền tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với chính quyền các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cùng các cơ quan liên quan nhằm thống nhất phương án nâng cấp đường tỉnh 753 và dự án xây dựng cầu Mã Đà thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh dự án cần được triển khai và quy hoạch trên tinh thần dự án ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất, ít ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý với chính quyền tỉnh Bình Phước, phải dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là lĩnh vực giao thông đường bộ với các tuyến cao tốc chiến lược như cao tốc Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước), dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Kết thúc năm 2021, tỉnh Bình Phước có GRDP tăng 6,32%, trong đó ngành công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn với mức tăng 20,63%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng dần từ khoảng 65% năm 2015 lên trên 72% năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 80% so với dự toán và 18% so với năm 2020, đảm bảo các nhiệm vụ chi cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tình hình xuất khẩu trong năm 2021 của Bình Phước cũng đạt 3,75 tỷ USD, tăng 22% và vượt gần 21% so với kế hoạch đề ra.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bình Phước đang dần khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế, xã hội thích ứng theo trạng thái bình thường mới, và gặt hái được những kết quả khá tích cực. Tổng thu ngân sách ước đạt trên 3,23 nghìn tỷ đồng, đạt 27% dự toán được giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 10% kế hoạch; xuất khẩu ước đạt gần 900 triệu USD, tăng 5,1% so cùng kỳ; thu hút được 9 dự án FDI với số vốn đăng ký 23 triệu USD.
Bình Phước cùng với tỉnh Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào tháng 01/1997. Tỉnh Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Nam Bộ với diện tích tự nhiên 6.872 km2, cách TP.HCM khoảng 120 km theo đường quốc lộ 13 và quốc lộ 14, và 102 km theo đường tỉnh 741.
Sau 25 tái lập tỉnh, Bình Phước ở thời điểm hiện tại đã có nhiều bước phát triển đột phá, đồng bộ và hiện đại. Toàn tỉnh cũng có 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài lên hơn 9.102 km.
Trên địa bàn tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt là ba tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với tổng chiều dài 228,9 km. Quốc lộ 13 dài 79,9 km, quốc lộ 14 dài 106 km và quốc lộ 14C đoạn đã nâng cấp từ đường tỉnh 741 dài 43 km. Đoạn quốc lộ 14C còn lại đang chờ nâng cấp dài khoảng 88,1 km.
Tác giả bài viết: Xuân Thái
Nguồn tin: vneconomy