Điều đáng nói là trong năm 2019, Bình Phước vẫn còn nằm trong nhóm cuối về chuyển đổi số tại Việt Nam. Cụ thể, tỉnh Bình Phước chỉ xếp vị trí 56 trên 63 tỉnh, thành phố theo xếp hạng chung chỉ số "Vietnam ICT Index". Trong năm 2021, Top 10 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số còn có Đà Nẵng, TP HCM, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang.
>> Xem thêm: Bình Phước đứng thứ về mức độ tin tưởng của doanh nghiệp FDI
Theo chia sẻ từ đại diện lãnh đạo tỉnh, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Bình Phước không còn là câu hô hào suông mà đã đi vào thực tế triển khai. Bắt đầu từ con số 0, Bình Phước dễ dàng xác lập mục tiêu “đi trước, đón đầu”, tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: "Chuyển đổi số thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng vươn lên của Bình Phước. Tỉnh không chỉ vượt lên chính mình mà phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể sánh kịp với các tỉnh, thành khác".
Kỹ sư công nghệ thông tin vận hành các dịch vụ được tích hợp tại Trung tâm IOC tỉnh.
Bình Phước đã không ngần ngại các khó khăn bước đầu để xây dựng các dự án công nghệ thông tin bài bản, đã chứng thực hiệu quả rõ nét, và đầu tư với quy mô mở rộng từ tỉnh đến cơ sở. Có thể kể đến các cơ sở như Trung tâm bộ não số IOC, Trung tâm hành chính công các cấp. Trong năm 2020, mạng 4G đã hoàn thành phủ sóng 100% diện tích của tỉnh Bình Phước, giúp người dân có thể tiếp cận Internet dễ dàng từ mọi nơi trong địa bàn tỉnh.Song song tỉnh Bình Phước cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số thông qua một số chương trình như "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số"; đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trong tỉnh đều thực hiện khai thuế điện tử; hóa đơn điện tử; thí điểm mô hình chợ 4.0 ở nhiều địa phương… Đặc biệt các mô hình và giải pháp trên đều đem lại lợi ích thiết thực cho người dân doanh nghiệp.
Đối với trục thông minh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được trang bị mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc; mạng số liệu chuyên dùng được kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) được xây dựng trục liên thông, tích hợp và chia sẻ liên thông 4 cấp phần mềm quản lý văn bản. Tại UBND cấp huyện, xã đều hoàn thành hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm với tỷ lệ đến 100%, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước được xem là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số, kinh tế số và chính quyền số. Với quyết tâm này, tỉnh Bình Phước đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, ấp, tổ dân phố nhằm giúp đỡ và hướng dẫn người dân ở các vùng sâu, vùng xa, dễ dàng sử dụng các nền tảng số. Thành viên nòng cốt của các tổ này sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Nhờ đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Phước đạt tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh lên đến 99,93%; cấp huyện lên đến 99,9% và cấp xã cũng đạt tỷ lệ đến 98,79%... Thành công này đặc biệt nhờ vào chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Xếp hạng DTI có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở".