Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh
Theo Kế hoạch 162/KH-UBND, phong trào thi đua chuyển đổi số sẽ diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh Bình Phước với đối tượng thi đua, về tập thể là các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp; về cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian dự kiến phát động phong trào thi đua sẽ từ năm 2022 đến năm 2025. Trong đó, năm 2022 sẽ là năm khởi động với ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, địa phương phải có riêng kế hoạch phát động, triển khai phong trào thi đua ngay tại khu vực, lĩnh vực và đối tượng phụ trách. Trong năm 2023, kế hoạch sẽ được triển khai sâu rộng hơn, đi sâu vào từng phong trào, từng mục tiêu; đồng thời tổ chức sơ kết phong trào thi đua vào quý IV năm 2023. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tiếp tục triển khai phong trào thi đua như đã đề ra; cuối năm 2025 sẽ tổ chức tổng kết phong trào thi đua trong quý IV.
Với phong trào thi đua này, UBND tỉnh Bình Phước mong muốn phát huy, khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó sẽ có những đề xuất nhằm khắc phục các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hoàn thành chuyển đổi số với chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động cơ bản của chính quyền sẽ diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.
Ngoài ra, phong trào thi đua cũng sẽ thúc đẩy và phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp, với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số của tỉnh, quốc gia.

>> Xem thêm: Bình Phước nằm trong Top 5 thành phố có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam
 

9 nhóm nội dung thi đua chuyển đổi số 

UBND tỉnh xây dựng 9 nhóm nội dung thi đua yêu cầu tập trung vào chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.
1/ Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương.
2/ Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.
3/ Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
4/ Ưu tiên đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.
5/ Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
6/ Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế của tỉnh.
7/ Tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
8/ Tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
9/ Chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Dân cư, tài nguyên, giáo dục và đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng, dịch vụ công, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất công nghiệp.
Với tinh thần thi đua quyết liệt, thiết thục và đề cao tính hiệu quả, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị và địa phương phải triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung đối mới và hình thức phong phú.
Với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu phải coi phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị. Các vị trí có vai trò lãnh đạo cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngoài ra, việc đánh giá, xem xét và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện từ cơ sở và đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và kịp thời.
Tác giả bài viết: LP
Nguồn tin: baochinhphu.vn