Với mục tiêu trở thành đô thị thông minh lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ vào năm 2025, Bình Phước đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện mọi lĩnh vực, từ chính quyền số, nền kinh tế số cho đến xã hội số.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Theo Nghị quyết 04-NQ/TU vừa được Tỉnh Ủy Bình Phước công bố vào ngày 18/05/2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1980 – 19/05/2021), chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới. Nghị quyết này nối tiếp
Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh Ủy Bình Phước ban hành vào ngày 12/09/2018 về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước.
Theo đó nhiệm vụ chính là hoàn thiện 100% các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, điện tử hóa. Người dân có thể điền thông tin cũng như gửi các yêu cầu đến cơ quan nhà nước thông qua hệ thống Internet và phần mềm tích hợp, đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp tại Tỉnh Bình Phước trên 80%.
Song song là các giải pháp gồm: Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT; Nâng cao trình độ tin học và kỹ năng sử dụng máy tính cho đội ngũ cán bộ; Phổ cập, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là những giải pháp cung ứng vốn, nguồn nhân lực và đối tác cung cấp giải pháp có năng lực.
Theo chia sẻ từ Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước - ông Nguyễn Minh Quang: Công nghệ số là một bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép xử lý và lưu trữ dữ liệu ở tốc độ cao, chi phí rẻ hơn nhờ ứng dụng một loạt các
công nghệ hiện đại nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…
Ông Quang cho biết thêm chuyển đổi số cũng phải là chiến lược xuyên suốt, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Có như vậy lộ trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mới có thể tiến tới thành công.
Các lĩnh vực ưu tiên Chuyển đổi số hướng đến Đô thị thông minh
Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh Ủy Bình Phước nêu rõ quan điểm, Chuyển đối số sẽ thực hiện trong “từng lĩnh vực” và hướng đến chuyển đổi “tổng thể và toàn diện”. Theo đó, doanh nghiệp và người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình Chuyển đối số. Lĩnh vực nào người dân và doanh nghiệp cần thì sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước, cùng với đó là một số ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thiết để rút kinh nghiệm, từ đó sẽ áp dụng ra tổng thể.
Theo đó, 9 nhóm lĩnh vực được ưu tiên Chuyển đổi số gồm quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, Nghị quyết còn chọn ra 5 mô hình thí điểm Chuyển đổi số toàn diện gồm: Mô hình doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã, mô hình cơ quan hành chính, mô hình cấp huyện với 3 địa phương (Đồng Xoài, Phước Long, Lộc Ninh), mô hình cấp xã với 20 xã, phường, thị trấn của Đồng Xoài, Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành.
Một số kết quả ghi nhận trong việc xây dựng Đô thị thông minh
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, ngay từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước cùng với Tập đoàn VNPT ký kết một loạt các văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, thành quả là
Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC) đã ra đời, với Trung tâm dữ liệu đặt tại thành phố Đồng Xoài.
Tỉnh Bình Phước cũng giao cho VNPT hoàn thiện kết nối, định tuyến mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 310 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; triển khai các phần mềm ứng dụng, hệ thống email công vụ cho tỉnh với 6.954 hộp thư với tỷ lệ sử dụng email công vụ tại tỉnh đạt trên 85%. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng đẩy mạnh hiện thực hóa nông nghiệp thông minh, kết nối hệ thống báo cáo của tỉnh với hệ thống báo cáo Quốc gia, lắp đặt và nâng cấp mở rộng mạng 3G/4G/5G…
Nhờ kích hoạt một loạt các giải pháp tổng thể, đề án Đô thị thông minh đã tác động tích cực lên đời sống xã hội, đặc biệt chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT index) của tỉnh Bình Phước tăng 2 bậc trong năm 2019, từ vị trí 58 lên 56 (0,2451 điểm). Chất lượng giáo dục, y tế, du lịch và các dịch vụ công ngày càng tốt hơn. Các chỉ số liên quan đến các lĩnh vực thiết yếu được cập nhật nhanh chóng, minh bạch, góp phần hỗ trợ công tác quản lý của các địa phương.
Nhờ các giải pháp CNTT, người dân và chính quyền được kết nối nhanh chóng, xử lý các vướng mắc kịp thời, chính xác. Dịch vụ công được cộng đồng tiếp cận rộng hơn, chất lượng tốt hơn, góp phần thay đổi tích cực mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tác giả bài viết: Hải Phạm