Công nhân làm việc tại công ty may mặc tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Internet)
Cũng theo Ban quản lý các
khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cùng trong giai đoạn đầu năm đến 30/4 vừa qua, toàn bộ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng nhận được hơn 9.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Song song là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vọt hơn 4 lần, tương ứng với số vốn gần 1,8 tỷ đồng.
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có hơn 3.014 dự án đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp; trong số này, dự án vốn FDI có 2.340 với tổng số vốn gần 28 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.
Một số trường hợp tiêu biểu như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitto Denko Việt Nam hoạt động sản xuất trong lĩnh vực linh kiện điện tử, vừa bổ sung thêm 99 triệu USD vốn đầu tư để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch tích hợp; tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette đã tăng vốn thêm 14 triệu USD để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quần áo thời trang và thể thao...
Ngoài ra, còn một số công ty đầu tư máy móc cho sản xuất có giá trị lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Stec đầu tư máy móc sản xuất linh kiện điện tử 718 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern (Việt Nam) đầu tư nhà máy sản xuất sợi 521 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp De Licacy Việt Nam đầu tư máy móc sản xuất sợi, dệt vải 500 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Paihong Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị sản xuất vải 412 tỷ đồng…
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp New Motion (Singapore) - Tổng Giám đốc Lim Hua Tiong cho biết, công ty có vốn đầu tư 185 triệu USD vào Bình Dương trong những tháng đầu năm 2022 nhằm nâng công suất sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, dịch vụ kho bãi tại Khu công nghiệp Phú Tân.
“Chúng tôi đã triển khai khảo sát mở rộng nhà máy và nhận thấy Bình Dương hội đủ các yếu tố thuận lợi về cơ sở
hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hoàn chỉnh, cơ hội chính quyền hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sản xuất, kinh doanh khá tốt,” ông Lim Hua Tiong cho hay.
Phó Trưởng Ban các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Thành Nhân cho biết, với các hoạt động đầu tư gia tăng mạnh mẽ có thể thấy rõ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được khôi phục hoàn toàn, tình hình dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có cơ sở tin tưởng để rót vốn mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Cũng theo đánh giá của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, dù tình hình dịch COVID-19 vẫn có các ảnh hưởng nhất định, nhưng các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư tại các khu công nghiệp vẫn mở rộng nhà máy; phân xưởng, duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa dường như trở lại hoàn toàn bình thường. Tất cả đã mang đến một bức tranh tổng thể tích cực trong phục hồi kinh tế sau thời kỳ hậu COVID-19.
Việc các doanh nghiệp liên tục “sáng đèn” sản xuất tại các khu công nghiệp Bình Dương là minh chứng rõ nét cho thấy chủ trương thích ứng an toàn và linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả đã mang lại các kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là lực đẩy góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng và thực hiện mục tiêu kép của tỉnh Bình Dương trong năm 2022.