Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Phước. (Nguồn: Internet)
Một vài chia sẻ của ông về tổng quan tình hình phát triển KCN tỉnh Bình Phước hiện nay?
Tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 13 KCN với tổng diện tích 4.686 ha (
Văn bản số 2162/TTg-KTN ngày 26/11/2015 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Bình Phước đến năm 2020); hiện có 11 KCN đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Đến tháng 4/2021, các KCN đã thu hút 334 dự án thứ cấp, trong đó có 232 dự án FDI và 102 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 2.485 tỷ USD và 11.175 tỷ VNĐ với diện tích cho thuê đất 1.132,4 ha.
Trong số 13 KCN nói trên có 9 KCN đã quy hoạch diện tích 1.308 ha và cho thuê 860 ha đất, tỷ lệ lấp đầy trên 95%; 2 KCN mới đi vào hoạt động (KCN Becamex-Bình Phước diện tích 2.448 ha và
KCN Minh Hưng-Sikico diện tích 655 ha), tỷ lệ lấp đầy bình quân 17,5% và đây cũng là 2 KCN đang có nhu cầu thu hút đầu tư lớn hiện nay. Ngoài ra còn có KCN Việt Kiều quy mô 104 ha (do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Minh Khang làm chủ đầu tư) đang tiến hành xây dựng hạ tầng và KCN Tân Khai II diện tích quy hoạch 156 ha (do Công ty cổ phần C&N New Vina làm chủ đầu tư) đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng hạ tầng.
Trong các KCN đã có 171 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 65.700 lao động, trong đó có 1.430 lao động nước ngoài.
Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong KCN quý I/2021 đạt 450 triệu USD, tăng 10% so quý I/2020; giá trị xuất khẩu đạt 370 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ; giá trị nhập khẩu đạt 242 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ; nộp ngân sách đạt 204 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm 2020. Các DN trong KCN đã góp phần đáng kể trong việc tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và thu ngân sách cho địa phương.
Sau 15 năm thành lập (2005), KKTCK quốc tế Hoa Lư đã phát triển ra sao? Sau quy hoạch chung năm 2010 và điều chỉnh cục bộ năm 2017, hiện tỉnh đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung KKTCK quốc tế Hoa Lư, ông có thể cho biết mục đích việc điều chỉnh này?
KKTCK quốc tế Hoa Lư tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 (Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 13/01/2010) với tổng diện tích 28.364 ha. Nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, tỉnh Bình Phước đã huy động các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để phát triển hạ tầng các trục giao thông chính thuộc vùng lõi KKTCK với diện tích 3.535 ha. Hiện nay tại KKTCK, UBND tỉnh đã giao đất cho 82 nhà đầu tư với tổng diện tích 2.000 ha, trong đó có 3 nhà đầu tư được giao để đầu tư hạ tầng KCN với diện tích 1.129 ha (2 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư gồm KCN Ledana 425 ha và KCN Hoa Lư 348 ha). Tại các KCN này đã có 34 doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động với ngành nghề chủ yếu là thu mua nông sản, tạo việc làm cho 600 lao động địa phương. Việc tỉnh Bình Phước đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch KKTCK quốc tế Hoa Lư cũng nhằm tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng cường kết nối giao thương giữa 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào trong tương lai.
Nền kinh tế nước nhà đang hội nhập mạnh mẽ cùng với sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho các KCN và KKTCK Hoa Lư. Vậy các KCN, KKTCK tỉnh Bình Phước đã chuẩn bị điều kiện ra sao để đón đầu cơ hội này, thưa ông?
Sự hội nhập toàn cầu mạnh mẽ của nền kinh tế, cơ cấu dân số trong “thời kỳ vàng”, nhất là việc khống chế thành công đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia lý tưởng để các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm, lựa chọn. Bình Phước với vị trí địa-kinh tế thuận lợi cùng nhiều tiềm năng chưa được khai thác đang có cơ hội to lớn trong việc đẩy mạnh, mở rộng thu hút đầu tư những năm tới.
Nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch đón đầu làn sóng đầu tư, Ban Quản lý KKT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tiến hành quy hoạch mở rộng các KCN và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng 1.374,63 ha gồm: KCN Minh Hưng III 577,63 ha; KCN Bắc Đồng Phú 317 ha và KCN Nam Đồng Phú 480 ha.
Tại KKTCK quốc tế Hoa Lư, Ban cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 KCN với tổng diện tích 773 ha, gồm KCN Ledana với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng và KCN Hoa Lư với vốn đầu tư 1.119 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quy hoạch mở rộng, quy hoạch mới các KCN, Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ dân cư, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, gồm: Quy hoạch mở rộng KCN Sikico 1.000 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN V.com tại KKTCK Hoa Lư 300 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN-Đô thị Đồng Phú 6.317 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN Bình Phước với diện tích 3.500 ha...
Thời gian qua cùng với đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư từ bên ngoài, Ban còn triển khai nhiều giải pháp, hoạt động “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, “xúc tiến đầu tư trực tuyến”. Ông có thể chia sẽ rõ hơn về vấn đề này?
Ngoài việc tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, Ban rất coi trọng công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, nhằm tạo lan tỏa từ nhà đầu tư đã, đang hoạt động tại các KCN, KKT để thu hút dự án mới. Đặc biệt, thông qua hoạt động này, Ban kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, có công nghệ tiên tiến, hạn chế ô nhiễm môi trường và kéo theo một số nhà đầu tư phụ trợ khác đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh…
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư thời gian tới, Ban đang tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Thường xuyên rà soát điều chỉnh, bổ sung bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban theo hướng đơn giản hóa, giải quyết nhanh cho nhà đầu tư và DN (chủ yếu thực hiện ở cấp độ 4), đồng thời tổ chức đối thoại định kỳ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đầu tư mới và mở rộng các KCN đã có chủ trương nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư thứ cấp; tiếp tục rà soát, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các KCN nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng tiếp nhận các dự án.
Tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN; tích cực kêu gọi xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động như: nhà ở xã hội cho công nhân, nhà trẻ, trường mầm non, các điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân ...
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong điều kiện đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bên cạnh “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, Ban cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh, tổ chức “xúc tiến đầu tư trực tuyến”.
Với
tiềm năng, lợi thế về các KCN và KKT tỉnh Bình Phước, có thể khẳng định việc nhà đầu tư lựa chọn “điểm đến” Bình Phước là quyết định sáng suốt. Nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm để đầu tư sản xuất - kinh doanh thuận lợi, hiệu quả - vì lợi nhuận DN và lợi ích chung của tỉnh nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!